Sáng 16/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về ngành chăn nuôi và thú y cho hơn 700 sinh viên Khoa Thú y khóa 61 (2016 - 2021) Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hoạt động rèn nghề tại thực tế là một phần nội dung chương trình đào tạo ngành thú y của Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trước chuyến đi thực tế của các em sinh viên, Tổ môn rèn nghề thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm giữa sinh viên Khoa Thú y Khóa 61 với cơ quan quản lý nhà nước, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực thú y. Thông qua đó nhằm chuẩn bị tinh thần, trang bị kỹ năng, kiến thức cũng như kinh nghiệm để các em đạt được kết quả thực tập tốt nhất.

leftcenterrightdel
 

Đến tham dự và phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS. Trịnh Đình Thâu – nguyên Trưởng khoa Thú y nêu rõ mục đích của buổi tọa đàm nhằm giúp sinh viên khi tham gia rèn nghề tại địa phương sẽ mang kiến thức được đào tạo tại Khoa Thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam giúp bà con nông dân trong sản xuất chăn nuôi. Cùng với đó, PGS.TS. Trịnh Đình Thâu cũng dặn dò sinh viên biết chia sẻ, vượt qua khó khăn thích nghi với điều kiện sống, sinh hoạt cùng bà con nông dân tại các địa phương trong suốt thời gian tham gia rèn nghề.

PGS.TS. Lại Thị Lan Hương, Phó trưởng Khoa Thú y chia sẻ: với định hướng ban đầu của Khoa Thú y, sinh viên thú y muốn giỏi chuyên môn thì việc đầu tiên phải giỏi lý thuyết, cọ sát thực tế để chắc tay nghề, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao có kỹ năng áp dụng hiệu quả giữa lý thuyết và thực hành khi được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực thú y.

Tham dự buổi tọa đàm với tư cách là Phụ trách môn học Rèn nghề – Khoa Thú y, ông Trần Văn Nên, Giám đốc Bệnh viện Thú y cho biết thêm, ngoài mục đích trang bị kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm cho sinh viên trước khi tham gia rèn nghề tại địa phương, tọa đàm còn hướng đến mục đích trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên trong thời gian tham gia môn học tại địa phương được trải nghiệm, trau dồi, học hỏi thêm kinh nghiệm trong chuyên môn cũng như học hỏi kỹ năng xử lý tình huống thực tế trong cuộc sống, tạo điều kiện tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, buổi tọa đàm còn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với các nhà quản lý nhà nước, các doanh nghiệp liên quan tới ngành mình đang theo học, từ đó hiểu rõ hơn về công việc của mình sau khi ra trường.

Được tiếp xúc với các nhà quản lý và chủ các doanh nghiệp, hơn 700 sinh viên Khoa Thú y khóa 61 (2016-2021) của Học viện Nông nghiệp Việt Nam vô cùng hào hứng. Vấn đề các bạn sinh viên đặc biệt quan tâm, đó là kinh nghiệm hành nghề thú y, cơ hội và định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường.

leftcenterrightdel
 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, TS. Nguyễn Ngọc Sơn đã giới thiệu về bộ máy tổ chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, khái quát về tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

Ngoài ra, ông Sơn còn chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình đi học tập thực tế, cũng như những kinh nghiệm trong nghề. Theo ông Sơn, điều quan trọng nhất với các bạn sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn còn cần có tình yêu và nhiệt huyết với nghề.

“Muốn có một công việc tốt, trước tiên các bạn cần không ngừng trau dồi kiến thức. Ngoài ra, một điều vô cùng quan trọng, đó là cần trang bị thêm ngoại ngữ và công nghệ thông tin” - ông Sơn chia sẻ.

leftcenterrightdel
 

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường, ông Bạch Quốc Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam cho rằng, các bạn sinh viên không nên quá lo lắng về việc không có việc làm sau khi ra trường. Các bạn có nhiều con đường lựa chọn ngoài làm trong các cơ quan nhà nước, còn rất nhiều doanh nghiệp về thú y, trang trại… Việc quan trọng của các bạn ở thời điểm này là cần trang bị đủ kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm để đáp ứng đủ yêu cầu của công việc trước khi ra trường.

Theo kế hoạch, từ 18/5, hơn 700 sinh viên Khoa Thú y khóa 61 (2016-2021) của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ bắt đầu khóa học tập thực tế trong 2 tuần tại các Trạm Chăn nuôi và Thú y trên địa bàn Hà Nội.