Báo cáo và trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, về đấu tranh phòng chống tham nhũng phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
leftcenterrightdel
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu bên lề phiên chất vấn
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu bên lề phiên chất vấn. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn. Thủ tướng đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tổng hợp những bất cập của pháp luật được phát hiện trong quá trình thực thi công vụ để đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời, vừa đẩy mạnh chống tham nhũng, vừa tạo điều kiện cho phát triển đất nước.

“Yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan thực thi bảo vệ pháp luật và các cơ quan liên quan khác rà soát lại đội ngũ để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trước mối quan tâm, lo lắng của đại biểu (ĐB) về các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta, Thủ tướng khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta”. Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai hoạt động thực thi pháp luật bằng giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên Biển Đông.

 

An ninh nguồn nước

Đề cập vụ việc nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đà bị đổ dầu thải, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đang có dấu hiệu “lợi ích nhóm” tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng. Vụ việc này cũng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia. Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị Thủ tướng xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất, cung ứng nước sạch và nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất, cung ứng nước sạch.

 

Ông Nhưỡng cũng đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm riêng về vấn đề trách nhiệm của một số cán bộ thuộc Bộ Công an liên quan vụ AVG và tổ chức đưa phạm nhân ra làm việc cho doanh nghiệp. Trước đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về việc cổ phần hóa các công ty nước sạch, trong đó việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống.

Trả lời các nội dung trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tuân thủ Luật Tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua. Về tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại các nhà máy nước sạch mà ĐB Nghĩa phản ánh, Thủ tướng khẳng định rất lưu ý đến vấn đề này. “Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”, Thủ tướng nói.

Về câu hỏi của ĐB trong việc tính toán lại GDP, Thủ tướng khẳng định là cần thiết. Theo đó, sau khi tính lại quy mô GDP, quy mô mới tăng 25,5%, vượt 310 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không đưa vào các báo cáo gửi Quốc hội, văn kiện Đảng. “Các nước mua một que tăm cũng có hóa đơn, trong khi chúng ta mua tivi, xe máy... đều không có chứng từ. Hằng năm chúng ta mua hàng vạn nhà lầu, xe sang... nhưng thu thuế được bao nhiêu? Vì thế kinh tế Việt Nam còn bị bỏ sót nhiều, khiến thất thu thuế. Tính toán lại quy mô GDP là cần thiết”, Thủ tướng giải thích.

Không đảm bảo cung ứng điện thì mất chức

Trả lời câu hỏi của các ÐB về dự án điện Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã có cuộc họp với các bộ, ngành, nhất trí việc để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi từng nói cơ quan nào, đơn vị nào liên quan mà không đảm bảo chức năng cung cấp điện thì mất chức”.

VĂN KIÊN - https://www.tienphong.vn/