B Nông nghip và Phát trin Nông thôn

Hà Ni, ngày 19 tháng 11 năm 2021

 

THƯ NGỎ GỬI HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

 

Trong những ngày này, tôi cảm nhận được không khí háo hức đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sẵn sàng bước vào năm học mới của tập thể lãnh đạo, quản lý, thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trong niềm hân hoan đó, thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng với tình cảm cá nhân, tôi xin chúc Học viện Nông nghiệp có một năm học thành công trên mọi phương diện.

Tại ngôi trường mang tên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hôm nay, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm, rồi Trường Đại học Nông nghiệp I trước đây, nhiều lãnh đạo cấp cao, cán bộ quản lý nông nghiệp chủ chốt cả nước, nhiều chủ doanh nghiệp nông nghiệp đã theo học, trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của ngành nông nghiệp. Và tôi cũng đang nhìn thấy nơi đây một đội ngũ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh mai này sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng tốt, khi được trang bị và biết tự trang bị những kiến thức mới, kỹ năng hiện đại, và nhất là thái độ tích cực với công việc và trong cuộc sống.

“Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta sẽ mượn sức gió để bay xa bay cao, hay chúng ta chấp nhận dừng lại để ngọn gió xô ngã”. Học viện Nông nghiệp cũng không thể bình lặng trước ngọn gió. Ngọn gió đó là Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngọn gió đó là Luật Giáo dục Đại học sửa đổi theo hướng tự chủ, lấy người học làm trung tâm. Ngọn gió đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cách tư duy, cách tiếp cận, phương pháp sư phạm, định vị lại tầm nhìn, sứ mạng sự nghiệp trồng người. Ngọn gió đó là cách thức vận hành các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có ngành giáo dục, thích ứng với điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19.

Thay đổi là thuộc tính của thời đại. Nhịp thay đổi ngày càng nhanh, cuốn hút mọi ngành nghề, lĩnh vực, từng tổ chức, mỗi cá nhân vào một vòng xoáy mà không ai có thể thờ ơ, do dự, chờ đợi. Nhịp thay đổi nhanh đến mức người ta cho rằng, điều mới ra đời chưa kịp định hình, thì điều mới hơn đã xuất hiện. Nhịp thay đổi nhanh đến mức người ta không thể dừng lại, thậm chí không mặc nhiên chấp nhận những khái niệm, nội hàm, định nghĩa, lời giải, đáp số,… tưởng rằng như bất biến bao đời. Nhịp thay đổi nhanh đến mức hôm qua còn là người dẫn đầu, thì ngay ngày hôm sau có thể tụt sâu lại phía sau. Một nhà giáo dục nổi tiếng đã phát biểu: “Nếu chúng ta cứ hướng dẫn học viên ngày nay theo phương cách giáo dục của ngày hôm qua, chúng ta có thể lấy đi tương lai của học viên ấy”.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa thực hiện sứ mạng của một tổ chức giáo dục đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa đào tạo đội ngũ nhân lực nông nghiệp nước nhà. Đội ngũ đó không phải là những “cỗ máy” được lập trình sẵn. Đó phải là những người nhiều cảm xúc, đầy nghị lực, giàu khát vọng vươn lên. Đó phải là những người biết ước mơ và mơ lớn, biết suy nghĩ và suy nghĩ lớn, có kỹ năng hành động và hành động theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Cần nhớ rằng, mỗi người luôn có những cá tính, cảm xúc, năng lực khác nhau. Người học hôm qua, hôm nay và ngày mai cũng vậy. Vì thế, mới có cách tiếp cận cá thể hoá người học, lấy người học làm trung tâm trong đổi mới giáo dục. Nhà bác học Galileo từng chia sẻ: “Chúng ta không thể dạy ai bất kỳ điều gì. Chúng ta chỉ có thể giúp họ khám phá những gì còn tiềm ẩn trong họ”. Vậy người thầy không chỉ là người truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, mà cần là và phải là người truyền cảm hứng, khơi gợi thái độ sống và học tập tích cực ở mỗi người học.

Mai này tại ngôi trường giàu truyền thống, chúng ta sẽ chứng kiến tổ hợp các công trình giáo dục hiện đại. Hiện đại từ các khối giảng đường, phòng học, thư viện. Hiện đại từ các phòng thí nghiệm thực hành, nghiên cứu khoa học. Hiện đại từ các không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hình ảnh trong tương lai gần đó làm vững vàng thêm niềm tin của chúng ta vào sự thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực nông nghiệp nước nhà. Nhưng, tất cả điều đó mới chỉ là nhận diện bên ngoài, là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Muốn bắt kịp và vượt lên, để tạo nên sự khác biệt với các cơ sở đào tạo trong cả nước và khu vực, sự đổi mới mạnh mẽ, liên tục trong quan điểm, phương thức tiếp cận của Học viện, những sinh viên, học viên có ý nghĩa quan trọng.

Chất lượng đầu ra, khi những người học sau khi tốt nghiệp, có thể thích ứng nhanh với xu thế thay đổi mới chính là tiêu chí thể hiện chất lượng của một cơ sở giáo dục. Chất lượng đầu ra không chỉ được đánh giá qua điểm số, xếp hạng tốt nghiệp, mà là tâm thế của sinh viên, học viên khi bước vào cuộc sống, là khả năng làm chủ cuộc sống, làm chủ vận mệnh của mình, đóng góp và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Mỗi mục tiêu sẽ có giải pháp đào tạo tương ứng. Mọi ngôi trường có thể tương đồng về hình thức, nhưng sẽ khác biệt nhau về đổi mới sáng tạo. Sáng tạo làm nên sự khác biệt, tạo ra thương hiệu riêng. Có cần dẫn đầu, khi có thể chủ động tạo ra sự khác biệt?

Giá trị, điều mà làm nên thành công ở mọi người, không chỉ là kiến thức mà là cách sống, thái độ sống. Vậy, những gì giáo dục mang lại cho người học không chỉ là những lý thuyết mang tính hàn lâm, mà còn gợi mở những kỹ năng, thái độ đối với cuộc sống. Giáo dục vun bồi tính nhân văn, tinh thần tôn trọng lẫn nhau, biết chia sẻ với nhau, hợp tác với nhau. Làm việc nhóm là kỹ năng bắt buộc cần có, phải có ở bất kỳ người nào muốn đi xa, muốn thành công. Những bài học cuộc sống thiết thực, đời thường cần được tích hợp vào những tiết giảng, lồng ghép vào những buổi sinh hoạt chuyên đề. Có một câu danh ngôn đáng suy ngẫm: “Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống. Giáo dục chính là cuộc sống”. Học viện Nông nghiệp là một “mảnh ghép” của xã hội, là một xã hội thu nhỏ. Học viện Nông nghiệp, thông qua hoạt động của đội ngũ lãnh đạo quản lý, những người thầy, người cô, là lăng kính phản chiếu sinh động cuộc sống. Cuộc sống luôn có những va chạm, vấn đề là cần biết cách xử lý khéo léo, tinh tế để mọi người biết hoá giải, cùng hướng về mục đích chung. Cuộc sống luôn có những mối quan hệ, trong đó, tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ với nhau, hài hoà mối quan hệ giữa “tôi”“chúng ta” sẽ làm cho cuộc sống đáng sống, tạo nên một môi trường giáo dục mà từng người đều mong muốn được cống hiến.

Tự hào về những thành tựu của Học viện hôm nay, chúng ta trân trọng tri ân những thế hệ lãnh đạo quản lý, đội ngũ các nhà giáo giàu trí tuệ, đầy tâm huyết, luôn nhiệt thành với sự nghiệp trồng người. Học viện đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp nước nhà, để đến hôm nay được xem là “trụ đỡ” mỗi khi đất nước rơi vào khó khăn. Tự hào lắm khi từ một nền nông nghiệp truyền thống, tự cung tự cấp, nay đã vào nhóm quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản cao. Tự hào lắm khi từ một đất nước thiếu ăn đến nay đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Tự hào lắm khi hệ thống hạ tầng nông nghiệp hiện đại được quan tâm đầu tư khắp cả nước, tạo điều kiện làm nên kỳ tích trong nông nghiệp,...

Chúng ta tự hào về những thành tích, thậm chí là kỳ tích đã đạt được. Nhưng chúng ta không được phép tự bằng lòng trong một bối cảnh đầy bất định, biến động của thế giới ngày nay. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dung, thiên tai, dịch bệnh, xu thế toàn cầu hoá luôn là thách thức không chỉ trong ngắn hạn, mà trong cả dài hạn. Không thể đi ngược với xu thế vận động và cũng không thể cứ tiếp tục với những gì không còn phù hợp. Có người trăn trở: “Người ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi, mà không tính đến cái giá phải trả nếu chịu không thay đổi”.

Thế giới thay đổi nhanh, không chỉ thể hiện qua tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, mà còn thể hiện qua cách tiếp cận mới: tích hợp đa chiều, đa mục tiêu, đa chức năng, đa công dụng, đa giá trị. Thế giới thay đổi nhanh, không chỉ tập trung vào cải thiện năng suất, sản lượng, mà còn thể hiện qua việc tạo ra nhiều sản phẩm hơn trên cùng một nguyên liệu đầu vào. Thế giới thay đổi nhanh, không chỉ nhờ vào nguồn lực, nguồn vốn hữu hình, mà còn dựa trên những nguồn lực vô hình như văn hoá, xã hội. Thế giới thay đổi nhanh, khi mô hình nền “kinh tế nâu” đã dần được thay thế bằng mô hình “nền kinh tế xanh”, rồi “nền kinh tế xanh lam”. Trong dòng chảy đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái… đã làm thay đổi cách tiếp cận nông nghiệp truyền thống.

Những suy nghĩ, trăn trở mang tính chia sẻ, trao đổi trên nhằm góp phần định hướng, gợi mở cho Học viện Nông nghiệp nói riêng và hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chung. Chúng ta cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa trước “ngọn gió thay đổi”. “Chiếc xe đạp chỉ cân bằng khi chuyển động; đứng yên, nó sẽ ngã”.

Thân chúc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tập thể lãnh đạo, quản lý, thầy giáo, cô giáo, sinh viên, học viên tràn đầy năng lượng để chuyển động, để thay đổi trong năm học mới!

 

 

 

Lê Minh Hoan

U viên Ban Chp hành Trung ương Đng

B trưng B Nông nghip và Phát trin Nông thôn