Chiều ngày 03 tháng 8 năm 2022, nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiếp ông Chan Yam Kay Ted đến từ trường Đại học Khoa học xã hội Singapore. Chủ đề buổi thảo luận tập trung vào tương lai của nông nghiệp và an ninh lương thực của Việt Nam và Singapore.

leftcenterrightdel
 PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT và Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp tiếp ông Chan Yam Kay Ted
 

Về phía Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Phó trưởng Khoa nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của ông Chan trong buổi làm việc với nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp. PGS. Dũng khẳng định rằng chủ đề phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực là mối quan tâm hàng đầu của toàn cầu hiện nay khi thế giới đang đối mặt với những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Việc chia sẻ bối cảnh an ninh lương thực và xu hướng phát triển nông nghiệp của 2 quốc gia Việt Nam và Singapore sẽ gợi mở những xu hướng nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học.

Ông Chan Yam Kay Ted có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược kinh doanh theo định hướng thị trường. Ông đã làm việc và giữ các vị trí lãnh đạo tại các công ty hàng đầu tại Singapore bao gồm Cisco Systems, Amdocs, TeleSat Canada, ST Group và Stanley Black và Decker. Hiện nay, với tư cách là nhà chiến lược đổi mới, ông tiếp tục tư vấn cũng như tham gia phát triển các môn học trong các chương trình đào tạo và nghiên cứu của trường Đại học Khoa học xã hội Singapore.

Mở đầu buổi trao đổi, ông Chan chia sẻ về bối cảnh phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực hiện nay của Singapore. Singapore được đánh giá là một nền kinh tế thị trường tự do với mức độ phát triển cao. Với tình trạng khan hiếm tài nguyên thiên nhiên (đất canh tác, nước, khoáng sản …) và nguyên liệu thô không có sẵn trên lãnh thổ nên việc phát triển nông nghiệp buộc phải dựa vào công nghệ để sản xuất. Hiện nay, quốc gia này mới chỉ sản xuất được 10% lượng lương thực thực phẩm cho người dân, hầu hết các thực phẩm được nhập từ nước ngoài. Quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 có thể tăng lượng lương thực thực phẩm tự sản xuất đạt 30%. Để làm được điều này, một số chiến lược phát triển nông nghiệp của quốc gia nhằm đạt được mục tiêu an ninh lương thực được thực hiện với nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Hiện nay nông nghiệp trong nước của Singapore được phát triển dưới hình thức các trang trại nhiều tầng, sản xuất nông nghiệp trên mái nhà, trong phòng, tủ rau bằng các công nghệ thủy canh, chiếu ánh sáng nhân tạo…Bên cạnh đó, Singapore mở rộng chuỗi sản xuất ở quốc gia khác như tại Indonesia. Ngoài ra, việc tìm kiếm các nguồn thực phẩm thay thế và tuyên truyền thay đổi thói quen tiêu dùng lương thực thực phẩm cũng là chiến lược mà quốc gia này đang hướng tới.

Trong buổi làm việc, các thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp cũng chia sẻ những nét tương đồng và khác biệt của bối cảnh phát triển nông nghiệp hướng tới an ninh lương thực giữa Việt Nam so với Singapore. Trên thực tế, điều kiện tự nhiên của Việt Nam có nhiều ưu thế trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, tuy nhiên giống như các quốc gia đang phát triển trên thế giới xu hướng dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực khác là tất yếu. Điều này đặt ra thách thức cho ngành nông nghiệp với lực lượng lao động thiếu kỹ năng, xu hướng già hóa lao động ngành nông nghiệp khi lao động trẻ chuyển dịch sang ngành khác. Thêm vào đó, ngành nông nghiệp đối mặt với các vấn đề về suy giảm tài nguyên môi trường và ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, buổi thảo luận gợi mở những hướng nghiên cứu mà nhóm có thể thực hiện trong thời gian tới từ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Singapore như ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, thay đổi thói quen tiêu dùng lương thực thực phẩm, v.v.

Kết thúc buổi làm việc, ông Chan Yam Kay Ted đã gửi lời cảm ơn trân trọng đến Ban lãnh đạo Học viện, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, đặc biệt gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ và trao đổi của Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp về chủ đề an ninh lương thực thực phẩm mà ông rất quan tâm. Các thành viên trong nhóm luôn sẵn sàng chia sẻ với các thông tin có liên quan và bày tỏ mong muốn sẽ có những hợp tác trong tương lai với ông Chan và Đại học Khoa học xã hội Singapore. Buổi làm việc đã diễn ra thành công và đem lại những ấn tượng tốt đẹp cho đối tác.

leftcenterrightdel
 Ông Chan Yam Kay Ted chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp
 

TS. Lê Thị Thanh Loan – Nhóm NCM Chính sách nông nghiệp