Phát biểu quan điểm về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng: Theo quy định của luật pháp thì hiện nay tại Việt Nam có hòa giải ngoài tố tụng được Luật Hòa giải ở cơ sở điều chỉnh, hòa giải trong tố tụng được Bộ luật Tố tụng dân sự điều chỉnh, vậy khi Quốc hội thông qua Luật này với quy định về hòa giải cho thấy quan điểm rõ ràng của Đảng và Nhà nước Việt Nam là coi trọng nền tảng xã hội dân sự, coi trọng tập quán, truyền thống văn hóa của người Việt Nam đó là “trọng tình” hơn là “trọng lý”, “duy tình” hơn là “duy lý”.

leftcenterrightdel
 GS.TS.Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ

Người Việt không chỉ trong quan hệ gia đình mà các mối quan hệ họ hàng, “dây mơ dễ má” họ vẫn tìm ra cái lẽ để coi trọng như: “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”; với người không có quan hệ huyết thống, họ lại có cái lẽ khác để yêu thương như: “bán anh em xa mua láng giềng gần” bởi “tối lửa tắt đèn có nhau”...

 

 Với lẽ sống đó, người Việt coi “một trăm cái lý chẳng bằng một tí cái tình” nên khi có xung đột thường chọn cách giải quyết “chín bỏ làm mười” mà không chọn cách “đáo tụng đình”, cũng là để tránh “một đời kiện bằng chín đời thù”, giữ hòa khí lâu dài về sau.

Như vậy, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với tinh thần coi trọng hòa giải của các bên cho thấy sự khuyến khích cách giải quyết phù hợp với văn hóa và tâm lý người Việt; lấy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt làm cốt lõi, làm cơ sở giải quyết xung đột trong dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan chia sẻ, cá nhân bà tán thành văn bản luật mới này ngoài đề cập tới hòa giải còn đề cập tới đối thoại là xuất phát từ những xung đột dẫn đến khởi kiện hành chính hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là sự chưa thấu hiểu và sự thiếu niềm tin của người dân đối với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thì đối thoại là giải pháp để các bên không chỉ “hàn gắn những bất đồng, rạn nứt” mà còn góp phần để hai bên xung đột thấu hiểu nhau, lấy lại và củng cố niềm tin.

Khi cá nhân, cơ quan có thẩm quyền có cơ hội và sẵn sàng đối thoại với người dân cũng cho thấy thái độ thân dân, trọng dân, gần dân, sẵn sàng nghe dân cũng là khẳng định chính quyền nhà nước Việt Nam là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, ở đó người dân là chủ một xã hội dân chủ.

Khánh Nguyên - http://danviet.vn/