Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao cho ngành nông nghiệp ngày càng cao, các cơ sở đào tạo phải đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đào tạo đúng và trúng nhu cầu này và các dự án khởi nghiệp sẽ là những lớp học bổ ích cho nhân lực ngành nông nghiệp.

Theo đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

- Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo của khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng từ 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Điều đáng lo ngại hơn là, lao động nông nghiệp đang ở độ tuổi cao, thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp nhưng nguồn nhân lực trong ngành này (với tỷ trọng khoảng 46%) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Thậm chí, nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp còn chưa thu hút được người học. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho nền nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai đang là yêu cầu cấp bách với các cơ sở đào tạo. 

Chúng tôi xác định, những sinh viên tốt nghiệp các ngành phục vụ nông nghiệp không chỉ có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện, làm chủ những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất.

leftcenterrightdel
GS.TS. Nguyễn Thị Lan trong một giờ giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
 GS.TS. Nguyễn Thị Lan trong một giờ giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nhiều ý kiến cho rằng, trước nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp ngày càng lớn, các cơ sở đào tạo cũng phải chủ động đổi mới để đáp ứng yêu cầu của người học. Những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đổi mới chương trình đào tạo như thế nào để cung ứng cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa bà?

- Trong năm qua, chúng tôi tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học; tiến hành rà soát, điều chỉnh và xây dựng lại chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo của 17 chuyên ngành đào tạo trình độ đại học. Riêng trong năm 2019, Học viện mở mới 9 ngành đào tạo trình độ đại học.

Năm 2019, Học viện đã quản lý và thực hiện 180 đề tài/dự án khoa học công nghệ các cấp; chỉ đạo các đơn vị xây dựng 82 mô hình khoa học và công nghệ. Học viện cũng đã quản lý, triển khai 24 nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, Quảng Trị, Điện Biên… Đây là những chương trình, dự án có gắn kết, phối hợp thử nghiệm kết quả, là cơ hội để các sinh viên có điều kiện thực tập những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Để đáp ứng đúng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 150 doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành thực tế. Học viện đã tăng thời gian thực hành của các học phần. Đặc biệt là các học phần thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp sinh viên tiếp cận và làm chủ các trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tăng khả năng thích ứng sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác: Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài.

Trong năm 2019, Học viện nhận được 123 học bổng hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu do các quỹ, doanh nghiệp nước ngoài - chi nhánh Việt Nam tài trợ; 2 học bổng trao đổi đại học và cao học tại Trường Đại học Nông nghiệp Tokyo, Nhật Bản và 05 học bổng á khoa tuyển sinh đại học năm 2019 của Trường Đại học Bách khoa Tây Nam - Trung Quốc, ĐH Kyungsung - Hàn Quốc tài trợ; tiếp nhận 56 sinh viên trao đổi, thực tập sinh đến từ Nhật Bản, Indonesia, Belarus, Cộng hòa Séc, Úc và các nước EU…

leftcenterrightdel
Trong những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở thêm nhiều ngành đào tạo mới.
Trong những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở thêm nhiều ngành đào tạo mới.  

 

Theo bà, đâu là những khó khăn, hạn chế trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp hiện nay, đâu là giải pháp để hóa giải những thách thức này?

- Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là một số khoa còn chậm tiến độ trong việc mở ngành mới; triển khai đề án đào tạo nâng cao chất lượng rèn nghề chưa thực sự hiệu quả, chưa có được kết quả như mong đợi.

Vì vậy, chúng tôi xác định cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ gắn kết đào tạo với thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Bộ đang triển khai tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế sớm, để kiến thức, kỹ năng gắn liền với cuộc sống, để khi ra trường các em có thể phát huy ngay trong điều kiện thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Do đó, cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp; cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp để có thể thích ứng với sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đảm bảo cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, để việc đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp đạt được kết quả cao, theo tôi, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp. 

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ ngành cần có chương trình, kế hoạch mang tính khả thi cao để cụ thể hóa chủ trương đưa kiến thức khởi nghiệp vào các trường đào tạo; coi việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan là một nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp.

Tôi tin tưởng những chương trình, dự án khởi nghiệp sẽ là môi trường, là những lớp học vô cùng có ý nghĩa, giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp.

Xin cảm ơn bà, chúc bà và gia đình một mùa xuân an vui, hạnh phúc!

Anh Thơ -http://danviet.vn/