Trong khuôn khổ đề tài “Phát triển kỹ năng cốt lõi cho lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” được thực hiện bởi nhiều đối tác trong và ngoài nước, trong đó Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) là đối tác chính. Đề tài này được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR) và Chương trình John Dillon Fellowship quản lý bởi trường Đại học New England (UNE, Úc). Mục tiêu của đề tài là xây dựng khung năng lực lao động nông nghiệp và kỹ năng cốt lõi, xác định các khoảng trống và sự thiếu hụt năng lực, kỹ năng cốt lõi cho lao động; cung cấp thông tin và các lộ trình khả thi nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng cốt lõi cho người nông dân trồng xoài trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu xoài của Việt Nam trong tương lai.

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm TS. Dương Nam Hà, Trưởng bộ môn Phân tích định lượng, trưởng nhóm thực hiện đề tài phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh, ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang, ThS. Ninh Xuân Trung (các thành viên tham gia đề tài) đã thảo luận với TS. Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam để thảo luận các vấn đề liên quan đến xuất khẩu xoài của Việt Nam và khả năng chuyển đổi số trong quản lý vùng nguyên liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc TS. Đinh Cao Khuê chia sẻ, trong những năm gần đây xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng của Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng đáng kể, tính đến hết năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,52 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2020, trong đó các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu tăng 4%, Hoa Kỳ tăng 33%, Hàn Quốc tăng 8%, Nhật Bản tăng 21%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 36%,… Cùng với đó, diện tích trồng cây ăn quả cả nước đến hết năm 2021 đạt 1,18 triệu ha, tăng hơn 40 nghìn ha so với năm 2020. Diện tích nhiều loài cây ăn quả chủ lực có sản lượng, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng từ 5 – 10%. Với truyền thống và lịch sử phát triển lâu đời của công ty thì các sản phẩm rau quả của DOVECO đã xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới trong đó tập trung vào một số thị trường lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mông Cổ,… với nhiều chủng loại rau quả như chanh leo, vải, xoài, thanh long, sầu riêng, dứa, chuối, rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương rau,… dưới nhiều hình thức sản phẩm khác nhau như rau quả tươi, rau quả đông lạnh, nước ép hoa quả.

leftcenterrightdel

Một số thị trường xuất khẩu chính của DOVECO

Nguồn: Doveco, 2022

Trong giai đoạn trước thì các sản phẩm xoài xuất khẩu của Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và chưa được nhiều đối tác ở các quốc gia trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, khi tham gia các hội chợ thương mại quốc tế tại một số nước như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE),… và qua trao đổi với các đối tác quốc tế, ông Khuê đã nhận thấy được tiềm năng cho các sản phẩm xoài của Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường quốc tế với nhiều chủng loại sản phẩm từ các sản phẩm tươi, sản phẩm cắt khúc đông lạnh, nước ép và nước cô đặc. Do đó, trong giai đoạn 2020 – 2022 và những năm tiếp theo định hướng phát triển của DOVECO sẽ tập trung vào xây dựng các vùng nguyên liệu ở Đồng Tháp, Sơn La để phục vụ xuất khẩu. Các giống xoài thế mạnh của Việt Nam trong xuất khẩu là xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan,… Trong đó, DOVECO sẽ tập trung vào việc dành khoảng 30% sản lượng xoài cho xuất khẩu quả tươi, còn lại sẽ dành cho chế biến (các sản phẩm xoài đông lạnh, nước ép, nước xoài cô đặc).

 

leftcenterrightdel

Các sản phẩm xoài xuất khẩu của DOVECO

Nguồn: Doveco, 2022

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong xuất khẩu xoài của Việt Nam là việc có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Để giải quyết những khó khăn này DOVECO đã có nhiều liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các thương lái tại các vùng sản xuất xoài đã được cấp mã số vùng trồng để có vùng nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng cho công ty. Tuy nhiên, ngoài việc ký cam kết và hợp đồng với các đối tác cung cấp nguyên liệu cho công ty thì DOVECO cũng có hệ thống các cán bộ, kỹ sư nông nghiệp tại các vùng nguyên liệu để kiểm soát chất lượng và quy trình sản xuất xoài của người nông dân. Việc kiểm soát và giám sát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm của cán bộ giám sát đã được DOVECO chuyển đổi số từ thủ công sang “số hóa” để vừa tiết kiệm thời gian cho cán bộ giám sát, vừa giúp cho công ty kiểm soát tốt hơn chất lượng, quy trình sản xuất của người nông dân và giúp cho công ty có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khi có các vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển đổi số chưa được áp dụng và chuyển giao trực tiếp cho người nông dân do bị hạn chế về nhiều mặt như kỹ năng, khả năng áp dụng công nghệ và số hóa trong việc kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người nông dân về chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Việc triển khai và quản lý quy trình sản xuất của người dân có thể rất chuyên nghiệp và đảm bảo được chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhưng việc áp dụng công nghệ số trong việc quản lý các quy trình sản xuất, nhập liệu trên hệ thống quản lý giám sát của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Giải quyết những khó khăn đó thì DOVECO đang có các định hướng là tập huấn, hướng dẫn và giúp đỡ người nông dân trong việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ số vào trong quá trình quản lý quy trình sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm để tiết kiệm thêm chi phí và đồng hành cùng sự phát triển của người nông dân theo tầm nhìn và sứ mạng của công ty.

leftcenterrightdel

Nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn trao đổi với TS. Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc DOVECO

Ảnh: Ninh Xuân Trung, 2022

Trong buổi làm việc, các thành viên của Nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ vai trò của nghiên cứu là giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng, năng lực cốt lõi của người lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam để có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế như yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá rất cao những chia sẻ và đóng góp của TS. Đinh Cao Khuê cho nghiên cứu nói riêng và sự phát triển chung của ngành rau quả Việt Nam nói chung và mong rằng TS. Khuê sẽ có những hợp tác lâu dài và chia sẻ các kinh nghiệm cho nhóm nghiên cứu trong tương lai.

Nguyễn Thị Huyền Trang, Ninh Xuân Trung, Khoa Kinh tế và PTNT