Trong thực tế hiện nay, chăn nuôi thông minh ứng dụng công nghệ cao là xu hướng thế giới. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Ngày 22/11/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Thức ăn và sản phẩm chăn nuôi an toàn, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt nam đã tổ chức seminar với chủ đề “Phát triển chăn nuôi bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao” do GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch trình bày.  

Tham dự buổi seminar có PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Trưởng Khoa Chăn nuôi, trưởng nhóm nghiên cứu, các thầy, cô trong các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa cũng như các thầy cô khác trong Học viện. Bên cạnh đó, buổi semina còn thu hút rất nhiều thầy, cô từ các trường đại học khác như: Đại học Nông lâm Huế, Đại học Nông lâm Thái nguyên, Đại học Nông lâm Bắc giang, Đại học Tây Bắc. Ngoài ra, còn có đại diện Doanh nghiệp, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quan tâm tham gia.

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng – Trưởng nhóm nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững hiện nay đang có nhiều tranh cãi, từ bỏ chăn nuôi nông hộ, tập trung chăn nuôi công ghiệp... Do đó, nhóm nghiên cứu mạnh đã tổ chức buổi seminar này để cùng tìm hiểu vấn đề phát triển chăn nuôi bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Trong buổi hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch trình bày lược sử phát triển nông nghiệp qua các thời kỳ và phân tích ưu điểm, nhược điểm của hệ thống chăn nuôi truyền thống và hệ thống chăn nuôi công nghiệp. Từ đó, chỉ ra những nhược điểm khi phát triển hệ thống chăn nuôi công nghiệp như: Nguy cơ tăng thất nghiệp và nghèo đói cho nông dân, rủi ro về kinh tế, ô nhiễm môi trường và giảm đa dạng sinh học, nguy cơ giảm sức khỏe của vật nuôi và người tiêu dùng, giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng, giảm phúc lợi động vật. Đứng trước vấn đề chăn nuôi công nghiệp năng suất cao, nhiều rủi ro với chăn nuôi truyền thống năng suất thấp, ít rủi ro GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch đã đưa ra đề xuất phát triển chăn nuôi bền vững trên cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo được tứ trụ: lợi ích kinh tế, lợi ích cộng đồng, lợi ích môi trường và phúc lợi động vật. Trong bài chia sẻ, thầy cũng đã chỉ rõ công nghệ cao là gì? Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là gì? Từ đó nói lên tính tất yếu phải ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và đưa ra giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Sau bài chia sẻ của GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch, các thầy cô trong Học viện và các thầy cô của các trường đại học khác, doanh nghiệp và sinh viên đã đánh giá rất cao bài chia sẻ của giáo sư và cho rằng đây là vấn đề rất nóng hiện nay. Bài trình bày đã chỉ ra thực trạng chăn nuôi nước ta hiện nay còn rất nhiều thách thức. Do đó, từ khía cạnh khoa chuyên môn, các trường đại học đào tạo ngành Chăn nuôi, Thú y nên có cách tiếp cận hợp lý để lồng ghép giữa đào tạo và thực tiễn sản xuất để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

Kết thúc chương trình, PGS.TS. Phạm Kim Đăng đã gửi lời cảm ơn đến các thầy cô trong và ngoài khoa, các doanh nghiệp và các bạn sinh viên đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận có ý nghĩa góp phần thành công buổi seminar của nhóm nghiên cứu mạnh: Thức ăn và sản phẩm chăn nuôi an toàn. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều buổi chia sẻ về các chủ đề khác nhau. Đồng thời cần có sự kết nối giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các bạn sinh viên nhằm đáp ứng xu thế phát triển, thường xuyên cập nhật và thay đổi cho phù hợp.

Một số hình ảnh trong buổi seminar:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Nhóm NCM Thức ăn và sản phẩm chăn nuôi an toàn