PGS.TS Trần Thị Định: "tôi tự tin trên con đường đã chọn và mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của nền khoa học nước nhà”.

Cùng với sự phát triển của Cách mạng 4.0, nền nông nghiệp Việt Nam cũng chuyển mình theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đảm bảo phát triển bền vững. Sản xuất nông nghiệp hiện đại trước tiên phải đảm bảo an ninh lương thực và sinh kế cho người nông dân. Bên cạnh đó, công nghệ cao cần được áp dụng để tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.

Ðể góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững, nhiều nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như công nghệ gen và tế bào, chọn tạo giống, vắc xin và chế phẩm sinh học, thể chế và chính sách nông nghiệp, quy hoạch và quản lý tài nguyên… Một trong các nhà khoa học nữ tiêu biểu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm là PGS.TS Trần Thị Định (Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

 

leftcenterrightdel
PGS.TS Trần Thị Định - Giảng viên ưu tú Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
 PGS.TS Trần Thị Định - Giảng viên ưu tú Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Từ thời điểm nhận học vị Tiến sĩ năm 2011 tại trường Đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ đến nay, PGS.TS Trần Thị Định đã chủ trì và tham gia 28 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. PGS.TS Trần Thị Định là tác giả và đồng tác giả của trên 100 công trình nghiên cứu khoa học trong đó có 20 bài báo chuyên ngành quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao và 22 bài báo công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc gia, 04 cuốn sách tham khảo và hướng dẫn kỹ thuật, và trên 50 bài tham luận, và báo cáo toàn văn tại hội thảo Quốc tế, Quốc gia.

PGS.TS Trần Thị Định còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt - Bỉ (VBFoodNet), thành viên Ban Biên tập tạp chí “Vietnam Journal of Agricultural Sciences”, và phản biện viên của một số tạp chí uy tín quốc tế, quốc gia.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, và uy tín khoa học của mình, PGS.TS Trần Thị Định đã xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và bền vững với nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế, các tổ chức phát triển, và tổ chức phi chính phủ điển hình là trường đại học KU Leuven và đại học Ghent, Vương Quốc Bỉ, tổ chức Rikolto International, và Ngân hàng Thế giới. Những hợp tác quốc tế này không những nâng cao chất lượng các công trình khoa học mà còn đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
PGS. TS Trần Thị Định hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm
PGS. TS Trần Thị Định hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm 

PGS.TS Trần Thị Định chủ trì hai đề tài cấp Nhà nước (Nafosted – FWO) về nghiên cứu chu trình sinh tổng hợp ethylene và cơ chế chín đột biến của quả cà chua ở mức độ phân tử. Kết quả của nghiên cứu giúp người nông dân xác định được thời điểm thu hoạch tối ưu cho cà chua với chất lượng và giá thành cao nhất. Bên cạnh đó, việc làm rõ cơ chế chín của quả giúp điều khiển quá trình chín cho cà chua nói riêng và các loại rau quả hô hấp đột biến nói chung, từ đó góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và gia tăng lợi nhuận cho người trồng.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác song phương với đối tác Bỉ, tài trợ kinh phí bởi tổ chức VLIR-UOS, công nghệ xử lý sau thu hoạch và điều kiện bảo quản tối ưu cho quả vải, quả nhãn, và quả thanh long đã được chuyển giao cho các tổ chức nông dân vùng trồng nhãn, vải, và thanh long của tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, và Bình Thuận. Công nghệ sản xuất nước quả, rượu vang, mứt đông, mứt dẻo… từ quả thanh long tươi và phụ phẩm của quá trình chế biến thanh long như vỏ và hạt được chuyển giao cho một số doanh nghiệp thực phẩm. Những công nghệ này tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ổn định thị trường đầu ra, khắc phục vấn nạn được mùa mất giá, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, giúp xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng nông thôn.

Với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu và ứng dụng thành công trong thực tế, năm 2019 PGS.TS Trần Thị Định cùng hai đối tác khác đến từ đại học KU Leuven, Vương quốc Bỉ và đại học BOKU, Cộng Hòa Áo đã được trao giải Bernd Michael Rode ở hạng mục Dự án xuất sắc nhất cho công trình nghiên cứu "Giải pháp công nghệ tích hợp để giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị kinh tế cho quả thanh long Việt Nam".

leftcenterrightdel
PGS.TS Trần Thị Định và nhóm cộng sự giành được giải thưởng Bern Award Certification 2019
PGS.TS Trần Thị Định và nhóm cộng sự giành được giải thưởng Bern Award Certification 2019 

Năm 2019, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Định đã phối hợp với tổ chức Rikolto International phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2040 cho thành phố Đà Nẵng. Bản chiến lược cùng chương trình hành động cụ thể đã và đang được Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Đà Nẵng triển khai vào thực tế.

Với mục tiêu từng bước cải thiện an toàn thực phẩm, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, PGS.TS Trần Thị Định và cộng sự đã nghiên cứu đánh giá hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) cho sản xuất rau hữu cơ ở 6 tỉnh thành của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này kết hợp với kinh nghiệm sẵn có của thế giới và tổ chức Rikolto Việt Nam giúp thể chế hóa và nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn và rau hữu cơ PGS tại Việt Nam, góp phần xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu vốn ngày càng trở nên khắc nghiệt.

Những nỗ lực trong nghiên cứu của PGS.TS Trần Thị Định đã mang lại nhiều thành tựu khoa học có giá trị và ứng dụng thực tiễn cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững. Theo PGS.TS Trần Thị Định: “Nghiên cứu khoa học mang đến cho tôi nhiều cảm xúc thăng hoa nhưng cũng không thiếu chông gai, thử thách. Với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê khoa học, tôi tự tin trên con đường đã chọn và mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của nền khoa học nước nhà”.

MINH KHANG (T/H)-https://phunumoi.net.vn/