Với đời sống ngày một nâng cao, nhu cầu sử dụng ngô như một thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít tốn công chế biến ngày một tăng. Chọn tạo giống ngô trái cây ưu thế lai là hướng đi mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng ngô ăn tươi giàu dinh dưỡng, không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng trong đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp toàn trên thế giới mà còn đem lại lợi ích to lớn cho người nông dân trồng ngô. Ngô trái cây là một khái niệm mới hiện nay để chỉ các loại ngô có thể ăn tươi trực tiếp ở giai đoạn chín sữa không cần qua chế biến. Đáp ứng được tiêu chí ngô trái cây thì đặc điểm của loại ngô này cần phải có bao gồm: độ ngọt cao tự nhiên, mỏng vỏ, dễ tiêu hóa, đường kính lõi nhỏ, kết hạt đều, hương vị tươi ngon và giàu dinh dưỡng. Để chọn tạo ra một giống ngô trái cây mới với mục tiêu chọn tạo như trên thì phát triển các nguồn vật liệu từ dạng ngô ngọt tím (Zea mays saccharata L.) là một hướng đi đúng đắn do loại ngô này có chứa hàm lượng đường và chất kháng ôxy hóa anthocyanin cao trong hạt.

leftcenterrightdel
 

Ngô trái cây là khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Phần lớn ngô phục vụ nhu cầu ăn tươi hiện nay là ngô nếp và ngô ngọt phải qua chế biến như luộc, nướng, chiên. Các nghiên cứu về ngô trái cây hiện nay còn rất ít nhưng các nghiên cứu liên quan đến cải tiến chất lượng ngô thông qua các tính trạng độ mỏng vỏ, độ ngọt, hương thơm, vị đậm cùng với các đặc điểm của cấu trúc bắp được nhiều nhà khoa học trên thế giới như Ito & Backer (1981), Letrat & Pulam (2007), Acquaah (2007), Choe (2010, 2012), và ở Việt Nam như Vũ Văn Liết & cs. (2009), Trần Thị Thanh Hà & cs. (2013, 2017), Phạm Quang Tuân & cs. (2016, 2018), Nguyễn Trung Đức & cs. (2020) tiến hành. Các nghiên cứu này là cơ sở khoa học vững chắc để tiếp cận hướng chọn tạo giống ngô ăn tươi mới.

Từ năm 2012 đến nay, với tầm nhìn chiến lược “Hạnh phúc trong nghiên cứu là làm ra sản phẩm bán được” từ Viện trưởng GS Vũ Văn Liết, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chọn tạo ra các giống ngô thực phẩm chất lượng cao, khả năng thích ứng rộng và tự chủ hạt giống ngô cho Việt Nam, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện đã tiến hành thu thập và phát triển các nguồn gene ngô từ các nguồn gen ngô địa phương và tổ hợp lai nhập nội từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Qua công tác tạo vật liệu mới đã chọn được các dòng ngô ngọt tím thích ứng với điều kiện sinh thái vùng nhiệt đới. Đây là bước khởi đầu quan trọng tiến tới lai tạo, đánh giá và chọn các tổ hợp lai ngô trái cây mới.

Trong vụ Xuân 2021, kết quả bước đầu đánh giá các tổ hợp lai ngô trái cây thuộc đề tài tiềm năng cấp Bộ NN&PTNN: “Nghiên cứu phát triển nguồn vật liệu phục vụ chọn tạo giống ngô trái cây giàu chất kháng ôxy hóa anthocyanin” do TS. Phạm Quang Tuân làm chủ nhiệm đề tài đã cho kết quả rất khả quan. Tổ hợp lai ngô trái cây triển vọng VNUA181 với thời gian thu bắp tươi ngắn 65 ngày, thấp cây, chống đổ rất tốt, chỉ số đại diện độ ngọt oBrix đạt ≥16, bắp trụ dài 22-25cm, và năng suất bắp tươi tiềm năng đạt 14-15 tấn/ha đã tạo ra một bước đột phá trong chọn tạo giống ngô thế hệ mới – ngô trái cây ở Việt Nam. Các tổ hợp lai ngô trái cây triển vọng do Viện chọn tạo ngay lập tức được các công ty giống cây trồng như Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Nông nghiệp ADI, Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam Vinaseed săn đón.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đánh giá, hoàn thiện quy trình công nghệ, công nhận và sản xuất giống ngô trái cây mới để sớm chuyển giao cho các đối tác có nhu cầu.

 

 

Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trồng