Hải sản được xem là một nguồn thực phẩm quan trọng, giàu protein và khoáng chất. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy nguy cơ mắc bệnh truyền qua thực phẩm khi ăn hải sản chứa các tác nhân gây bệnh. Trong số các vi khuẩn gây bệnh cho con người phân lập được từ hải sản, Vibrio (V.) parahaemolyticus là vi khuẩn phổ biến nhất và được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm liên quan tới ăn hải sản sống hay chưa được nấu chín trên thế giới. Do đó, việc chẩn đoán, phát hiện và định lượng nhanh vi khuẩn này trong hải sản trong phòng thí nghiệm là rất cần thiết. Phương pháp nuôi cấy vi sinh vật thường quy có nhược điểm tiêu tốn thời gian và có biến đổi trong các phản ứng sinh hóa nên độ đặc hiệu không cao, không phân biệt được rõ ràng V. parahaemolyticus với các loài Vibrio khác. Để rút ngắn thời gian cũng như nâng cao độ nhạy và độ đặc hiệu khi định lượng V. parahaemolyticus trong hải sản, cần áp dụng kết hợp  phương pháp nuôi cấy vi sinh vật thường quy với phương pháp sinh học phân tử.

Bên cạnh đó, hiện nay sự gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh bao gồm cả V. parahaemolyticus, đặc biệt là những vi khuẩn có khả năng sản sinh men kháng kháng sinh β-lactamases phổ rộng (ESBL) đã được báo cáo trên toàn thế giới. Những vi khuẩn có khả năng sản sinh ESBL đã được phát hiện ở gia súc, gia cầm, động vật cảnh, thực phẩm có nguồn gốc động vật và cả trên người. Từ những khó khăn ngày càng tăng trong việc điều trị bệnh trên người và động vật, cùng với những bằng chứng cho thấy sự lây truyền giữa người và động vật, vi khuẩn sản sinh men kháng kháng sinh β-lactamases phổ rộng (ESBL) đã trở thành mối lo ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên ở nước ta hiện tại, nghiên cứu về các vi khuẩn, cụ thể là V. parahaemolyticus sản sinh men kháng kháng sinh β-lactamases phổ rộng còn rất hạn chế. Chính vì vậy, với sự hỗ trợ kinh phí của Học viện, nhóm nghiên cứu thuộc khoa Thú y đã tiến hành thực hiện đề tài trọng điểm cấp Học viện - mã số T2019-03-03TĐ “Nghiên cứu định lượng Vibrio parahaemolyticus trong hải sản bằng phương pháp Most Probable Number - Polymerase Chain Reaction (MPN-PCR) và xác định khả năng sản sinh men kháng kháng sinh β-lactamases phổ rộng (ESBL) của các chủng Vibrio parahaemolyticus phân lập được”.

Tổng số 120 mẫu hải sản đã được thu thập tại 10 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm mẫu cá biển, hàu, mực và tôm. Kết quả phân tích cho thấy, V. parahaemolyticus được phát hiện trong 70 mẫu trên tổng số 120 mẫu kiểm tra, chiếm tỷ lệ 58,33%. Phần lớn các mẫu tôm cho kết quả dương tính với V. parahaemolyticus (86,67%). Tỷ lệ mẫu dương tính đối với mẫu mực và mẫu cá đều là 53,33%. Mẫu hàu có tỷ lệ dương tính với V. parahaemolyticus thấp nhất (40%). Kết quả phân tích cho thấy có sự sai khác về tỷ lệ nhiễm V. parahaemolyticus giữa các loại mẫu hải sản được kiểm tra. V. parahaemolyticus mang gen trh được phát hiện trong 1 mẫu hàu kiểm tra.

 

leftcenterrightdel

 Hình 1. Tỷ lệ nhiễm V. parahaemolyticus trong các loại hải sản

Ghi chú: a, b, c: Các cột có chữ cái khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Kết quả định lượng cho thấy lượng V. parahaemolyticus trên các loại hải sản dao động trong khoảng 0,56 - 4,97 log10(MPN/g) và trung bình là 2,93 log10(MPN/g). Trong số bốn loại hải sản kiểm tra, lượng V. parahaemolyticus trong mẫu tôm là cao nhất, tiếp đến là mẫu mực và mẫu cá, lượng V. parahaemolyticus trong mẫu hàu là thấp nhất (p < 0,05). Có 27,14% mẫu có lượng V. parahaemolyticus < 2 log10(MPN/g), 44,29% mẫu có lượng V. parahaemolyticus trong khoảng 2 - 4 log10(MPN/g) và 28,57% mẫu vượt quá 4 log10(MPN/g).

leftcenterrightdel

Hình 2. Lượng V. parahaemolyticus trong các loại hải sản 

Ghi chú: a, b, c, d: Các cột có chữ cái khác nhau thì khác nhau có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).

Kết quả xác đinh khả năng sản sinh men kháng kháng sinh β-lactamases phổ rộng (ESBL) của V. parahaemolyticus cho thấy 7,14% chủng V. parahaemolyticus sản sinh ESBL, trong đó có 1 chủng được phân lập từ mẫu cá, 2 chủng phân lập từ mẫu mực, 2 chủng phân lập từ mẫu tôm và không có chủng nào phân lập từ mẫu hàu có khả năng sản sinh ESBL. Tỷ lệ V. parahaemolyticus sản sinh ESBL trong nghiên cứu này tuy không cao nhưng cũng đưa ra cảnh báo về sự hiện diện của V. parahaemolyticus sản sinh ESBL trong hải sản

Từ những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục nghiên cứu đánh giá nguy cơ ô nhiễm V. parahaemolyticus trong hải sản theo chuỗi sản xuất, từ các trang trại nuôi thủy hải sản đến các khâu như thu hoạch, phân phối; từ đó làm cơ sở cho việc đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm V. parahaemolyticus trong hải sản. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản cũng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, để giảm thiểu nguy cơ hình thành và lan rộng vi khuẩn kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

 

Một số hình ảnh trong quá trình triển khai đề tài

leftcenterrightdel
 Xử lý mẫu hàu
leftcenterrightdel
 Khuẩn lạc V. parahaemolyticus trên thạch TCBS
leftcenterrightdel
 Chuẩn bị chạy điện di

TS. Vũ Thị Thu Trà và Nhóm nghiên cứu, Khoa Thú y