leftcenterrightdel
 

Sút bóng là hành động dùng chân đưa bóng tới một mục đích lựa chọn. Sút bóng là hoạt động ít mang tính tự nhiên hơn so với các môn dùng tay điều khiển bóng. Do vậy, việc thực hiện kỹ thuật sút bóng là khó khăn và phức tạp, cần phải tập luyện nhiều và thường xuyên.

Trong quá trình dạy học động tác phải tổ chức thành ba giai đoạn giảng dạy với những nhiệm vụ và phương pháp đặc trưng, tương ứng với quy luật hình thành kỹ năng kỹ xảo vận động.

1. Giai đoạn dạy học ban đầu

Để sinh viên nắm được khái niệm động tác cần sử dụng phương pháp lời nói, trực quan và cho sinh viên làm thử, ngoài ra thông qua đó còn kích thích sinh viên hứng thú học động tác và hình thành tâm thế đối với việc tiếp thu kỹ thuật động tác đó.

Một số đặc điểm cần chú ý:

- Phải tạo cho người học khái niệm và hình thành tâm thế muốn học, tạo tâm lý sẵn sàng và khát vọng thực hiện động tác (bằng các phương pháp thuyết phục, giảng giải, làm mẫu đẹp).

- Sớm tạo "cảm giác qua" cho người tập. Khi dùng thiết bị hỗ trợ phải chú ý dừng lại đúng lúc, "giữ nguyên tư thế", "cảm giác sơ bộ", "vật định hướng".

- Tập trung vào việc phòng và sửa chữa những sai lầm lớn.

Nguyên nhân chính gây nên những lỗi sai:

- Thể lực chưa đáp ứng được với yêu cầu, khắc phục bằng cách phát triển các tố chất thể lực cần thiết.

- Sợ hãi.

- Hiểu sai nhiệm vụ vận động.

- Chưa tự kiểm tra được động tác.

- Có sai sót khi thực hiện động tác.

- Mệt mỏi.

- Do sự chuyển xấu của kỹ xảo.

- Do điều kiện bên ngoài không thuận lợi.

- Điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp:

 Số lần lặp lại, các quãng nghỉ phải phù hợp với khả năng, chất lượng thực hiện, đặc điểm động tác (đơn giản thì lặp lại nhiều) phải theo khả năng của người tập. Các quãng nghỉ giữa trong các động tác phức tạp phải dài, song tần số lặp lại buổi tập có động tác mới phải ngắn để không quên. Từ đó tốt nhất là tập thường xuyên (2-3 buổi một tuần) với khối lượng vận động không quá lớn. Đó là mô hình lượng vận động trong quá trình dạy học ban đầu.

2. Giai đoạn dạy học đi sâu

Làm cho người tập thực hiện thuần thục các chi tiết kỹ thuật và thực hiện tương đối hoàn chỉnh động tác.

Một số đặc điểm cần chú ý:

- Tăng cường sự đánh giá nhanh, chính xác kết quả mỗi lần thực hiện động tác. Có thể sử dụng rộng rãi các thiết bị nghe nhìn người tập trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả của mình.

- Trong giai đoạn này chất lượng động tác chưa ổn định lúc được lúc không do vậy phải nhắc nhở, giáo dục sự kiên trì của người tập không bi quan chán nản.

- Nếu có những sai lầm lớn khi thực hiện kỹ thuật động tác thì phải dừng tập để hình thành lại kỹ thuật chính xác và để dập tắt các phản xạ sai lệch đó.

3. Giai đoạn củng cố và tiếp tục hoàn thiện.

Làm cho người tập hoàn thiện toàn bộ động tác và vận dụng vào các điều kiện khác nhau.

Một số đặc điểm cần chú ý:

- Chỉ biến dạng được động tác khi tập trung tập luyện lặp lại nhiều lần trong các điều kiện khác nhau (thể lực và tâm lý người tập thay đổi, điều kiện sân bãi thời tiết không thuận lợi, nỗ lực thể chất của con người tăng lên).

- Khi những kỹ xảo được hoàn thiện, nếu có sai lệch hoặc khi không còn phù hợp với khả năng của người tập do đã tăng lên thì phải xây dựng lại kỹ thuật động tác theo hướng: giảm nhẹ điều kiện thực hiện động tác để sửa chữa, phát triển các tố chất thể lực tương ứng nhờ lặp lại từng phần hoặc toàn bộ cấu trúc động tác. Trong lúc đó cần nhớ : Việc làm lại kỹ xảo lúc đầu sẽ khó khăn (do kỹ xảo cũ luôn ưu thế), dần dần mới có sự cân bằng và sau cùng là kỹ xảo mới chiếm ưu thế. Đó là một khoảng thời gian không dài, nhưng đôi khi còn lâu hơn việc hình thành một kỹ xảo mới ngay lúc đầu.

- Cần tập trung vào việc đánh giá chất lượng kỹ thuật động tác của người tập theo các chỉ số như: Mức độ tự động hóa cao hay thấp, tính bền vững của kỹ xảo trong điều kiện thực hiện, tính biến dạng của động tác trong các điều kiện khác, tính hiệu quả khi thực hiện.         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Quang Hải, Vũ Chung Thủy, Nguyễn Kim Xuân (2015), Tuyển chọn vận động viên thể thao, NXB TDTT, Hà Nội.

2. Đặng Đức Hoàn, Hoàng Văn Hưng, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Đăng Thiện, Trần Văn Hậu, Nguyễn Xuân Cừ (2019), Giáo trình Giáo dục thể chất đại cương, NXB Học viện Nông nghiệp, Hà Nội.

3. Lê Văn Xem (2016),  Đặc điểm tâm lý của hoạt động thể thao thành tích cao, NXB TDTT, Hà Nội.

4. Lưu Quang Hiệp, Phạm Thị Uyên (2017), Sinh lý học TDTT, NXB TDTT, Hà Nội.

5. Nguyễn Toán, Phạm Danh Tốn (2017), Lý luận và phương pháp TDTT, NXB TDTT, Hà Nội.

6. Trần Đức Dũng (2007), Giáo trình bóng đá, NXB TDTT, Hà Nội.

 

Tác giả: Đào Quang Trung

Nhóm NCM – Trung tâm GDTC&TT