Cây hoa sen (Nelumbo nucifera Gaertn.) là một loại thực vật thủy sinh được trồng ở khắp nơi trên thế giới. Sen có giá trị quan trọng không những về dinh dưỡng, cảnh quan, dược liệu mà còn có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo.

Sen Hồ Tây còn được gọi là sen Bách Diệp có đặc trưng là cánh hoa kép, màu hồng, hương thơm đặc biệt và được coi là một đặc sản, một phần của văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Theo quyết định số 4924/QĐ-UBND ban hành ngày 24/9/2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, sen Hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quí hiếm cần được bảo tồn. Năm 2017, Các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên Thực vật đã nghiên cứu và đưa ra một số đặc điểm hình thái đặc trưng để nhận biết giống sen Hồ Tây.

leftcenterrightdel

Hình 1. Hạt sen, phôi hạt sen (a) và hoa sen Hồ Tây (b)

           

Với mong muốn bảo tồn và phát triển giống sen quý của Thủ đô Hà Nội, được sự tài trợ kinh phí từ đề tài cấp Học viện Mã số: T2020-12-73, PGS.TS. Đồng Huy Giới cùng các cộng sự đã bước đầu nhân giống thành công sen Hồ Tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Nghiên cứu được thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020. Kết quả nghiên cứu thu được cho thấy: Hạt sen được xử lý bằng javel 30% trong 10 phút cho hiệu quả khử trùng tốt nhất, với tỉ lệ mẫu sạch và tái sinh chồi đạt 95,00% sau 10 ngày nuôi cấy. Ở thí nghiệm nhân nhanh chồi, môi trường lỏng (MS bổ sung 30 g/l sucrose, 1,5 mg/l BA) cho hệ số nhân chồi là 2,95 lần, môi trường rắn (MS bố sung 30 g/l sucrose, 8 g/l agar, 1,5 mg/l BA) cho hệ số nhân chồi là 3,69 lần, trong khi đó ở môi trường kết hợp hai lớp rắn, lỏng (lớp dưới rắn, lớp trên lỏng, tỉ lệ hai lớp là 1:1) cho hệ số nhân chồi cao nhất đạt 5,56 lần sau 4 tuần nuôi cấy. Ở thí nghiệm ra rễ, môi trường MS có bổ sung 1,5 mg/l α-NAA là môi trường thích hợp nhất cho sự tạo rễ in vitro cây hoa sen Hồ Tây, với số rễ trung bình đạt 12,07 rễ/chồi và chiều dài rễ trung bình là 11,18 mm sau 3 tuần nuôi cấy.

Việc ứng dụng thành công nuôi cấy mô trong nhân giống Sen Hồ Tây tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bước đầu mở ra một hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát triển nguồn giống  sen quý của Việt Nam.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

leftcenterrightdel

Hình 2. Sự sinh trưởng của phôi hạt hoa sen Hồ Tây sau 10 ngày nuôi cấy

leftcenterrightdel

Hình 3. Chồi hoa sen nuôi cấy trong môi trường bổ sung BA với các nồng độ khác nhau sau 4 tuần nuôi cấy

leftcenterrightdel

Hình 4. Chồi sen Hồ Tây ra rễ trong môi trường bổ sung α-NAA với các nồng độ khác nhau sau 3 tuần nuôi  cấy

 

BAN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ