Thực tế chứng minh rằng khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển kinh tế đột phá của các quốc gia. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức đưa ra thông điệp "Quốc gia Khởi nghiệp".

Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề "Khởi nghiệp nông nghiệp", nhất là trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0), Báo điện tử Dân Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS-TS. Nguyễn Thị Lan- Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Vũ Ngọc Huyên, PGS.TS Nguyễn Việt Long với chủ đề: "Khởi nghiệp Nông nghiệp trong bối cảnh cách mạng nông nghiệp 4.0".

 

TS. Vũ Ngọc Huyên- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Trưởng Khoa Lý luận chính trị và xã hội, Giám đốc Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực- Học viện Nông nghiệp Việt Nam


Tại sao cần "khởi nghiệp nông nghiệp"?

Thực tế chứng minh rằng khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển kinh tế đột phá của các quốc gia. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức đưa ra thông điệp "Quốc gia Khởi nghiệp". Theo sau thông điệp của Thủ tướng, rất nhiều chính sách, đề án, kế hoạch, chương trình đã được ban hành nhằm tạo đột phá trong công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ở các bộ, ngành và các địa phương cũng đã và đang hưởng ứng và bước đầu triển khai công tác thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khởi nghiệp là một từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Xu hướng Khởi nghiệp ngày một lan rộng. Một trong những đất nước luôn có chiến tranh đó là Israel được thế giới mệnh danh là Quốc gia Khởi nghiệp. Đất nước này thu hút khoảng 15% tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực an ninh mạng của toàn thế giới. Đây là một phần của nền kinh tế “quốc gia khởi nghiệp” đang bùng nổ ở Israel, tạo thành hệ sinh thái năng động nhất bên ngoài nước Mỹ. Israel chính là tấm gương cho bất kỳ quốc gia nghèo khó nào muốn vươn tầm phát triển sánh ngang các quốc gia phát triển trên thế giới với những con người và ý chí nỗ lực không ngừng nghỉ.

Tuy nhiên, cần làm gì để khởi nghiệp thành công lại là một vấn đề không ít người đang trăn trở, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khởi nghiệp là một vấn đề tưởng chừng đơn giản chỉ cần có ý tưởng hay là được, nhưng để biến ý tưởng đó thành hiện thực hóa đi vào thực tế lại lại vấn đề vô cùng khó khăn đối với tất cả những ai đã, đang và từng có ý định khởi nghiệp. Tại sao nếu chỉ một cá nhân khởi nghiệp mà không có sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân lại khó trở thành hiện thực đến như vậy?. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và mọi người, cùng chung tay giúp sức để tạo ra cộng đồng Khởi nghiệp lớn mạnh.

 


Nông nghiệp thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Cho đến những năm đầu thế kỷ 21, nông nghiệp vốn được xem là lĩnh vực ứng dụng công nghệ thấp hơn so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên với sự hình thành của xu hướng công nghiệp 4.0, nông nghiệp sẽ là cánh đồng mầu mỡ nhất để sáng tạo, thử nghiệm, khởi nghiệp và đầu tư ứng dụng cách mạng 4.0 (Fobes, 2016). Fobes, 2016 đưa ra nhận định trên dựa vào số liệu đầu tư cho công nghệ nông nghiệp tăng đột biết những năm qua như sau: năm 2010 đến 2012 kinh phí đầu tư cho công nghệ nông nghiệp chỉ 0,4-0,5 tỷ USD, năm 2013 là 0,9 tỷ và đến năm 2015 con số này là 4,6 tỷ USD.

Dựa trên sự phát triển của cách mạng công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, có thể nhận định rằng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng số hoá toàn bộ chu trình và các yếu tố liên quan trong sản xuất nông nghiệp trên toàn bộ hệ thống mà trọng tâm là trên chính mảnh ruộng/trang trại của người dân (mỗi trang trại là một khu thí nghiệm, mỗi người dân là một nhà khoa học). Sản phẩm cuối cùng mà doanh nghiệp cung cấp cho người dân không chỉ là giống, phân bón, công cụ sản xuất mà là giải pháp hỗ trợ quản lý và ra quyết định sản xuất nông nghiệp một cách thông minh (Bài học về CMCN 4.0 trong nông nghiệp của Mỹ tại Hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng CMCN 4.0, năm 2018, do Học viện NNVN tổ chức).

Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp, tuy nhiên với sự xuất hiện của nông nghiệp 4.0, thế giới khởi nghiệp đã thay đổi. Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội đa dạng cho người dân và doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0 bao gồm: Các lĩnh vực dịch vụ web, thông tin truyền thông, công nghệ di động…. Điều này đã làm nên một phong trào đổi mới sáng tạo (innovation) giai đoạn 2 mạnh mẽ và nhiều tiềm năng không thua kém trong lĩnh vực giao thông và y tế. Con số doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp tầm cỡ thế giới thay đổi từ 2010 (20 doanh nghiệp) đến 2015 (503 doanh nghiệp) chứng minh rằng thị trường kinh doanh và thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc do nông nghiệp 4.0 mang lại.

Nông nghiệp 4.0 đang mang lại một thông điệp rõ ràng là trong tương lai gần như cầu về lao động nông nghiệp thô sơ, lao động phổ thông sẽ sụt giảm (đây là thách thức vô cùng to lớn cho các nước đang phát triển) nhưng lại mở ra cơ hội rất lớn cho các nước năng động và mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam

Ngành nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Trong những năm vừa qua, nền nông nghiệp đã không ngừng phát triển, từng bước được hiện đại hoá, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 36,44 tỷ USD và năm 2018 đang phấn đấu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 40 tỷ USD. Tuy vậy, những đổi mới mà ngành nông nghiệp đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện tự nhiên, lao động và những cơ hội do cách mạng khoa học công nghệ mang lại cùng kinh tế trí thức và hội nhập quốc tế tạo ra cho đất nước. Quy mô tổ chức sản xuất còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông phẩm chưa cao; động lực phát triển của nông nghiệp theo cơ cấu hiện nay đã tới hạn, khả năng ứng phó thiên tai do biến đổi khí hậu còn hạn chế.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, vừa tạo ra cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp, người sản xuất trong nước với nhiều lý do: (1) Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất và rất cần có sự cải cách thể chế một cách bài bản, thực chất, nghiêm túc và hiệu quả hơn; (2) Thị trường xuất khẩu rộng mở, cạnh tranh cao; (3) Môi trường đầu tư cần phải cải cách mạnh mẽ; (4) Trình độ khoa học và công nghệ cần được nâng cao, nhất là nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Khởi nghiệp Nông nghiệp như thế nào?

Nhận được tầm quan trọng của Khởi nghiệp đối với sự phát triển của một quốc gia, từ năm 2003, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khởi xướng Cuộc thi về Khởi nghiệp cho thanh niên và đã phát triển thành Chương trình Khởi nghiệp Quốc Gia với sự phối hợp của 6 bộ, ngành tổ chức đã góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của nhiều thanh niên, sinh viên trong cả nước.

Đặc biệt năm 2013, Khởi nghiệp như một luồng gió mới đến với toàn thể sinh viên và cán bộ viên chức của Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi đó với thành tích của đội Dự án Trung tâm Nông nghiệp Thực nghiệm HUAZONE đã giành giải Vô địch khi tham gia Chương trình Khởi nghiệp Quốc Gia 2013 do VCCI  tổ chức và Dự án Nâng tầm nông sản Việt – Giải Nhất Chương trình Sáng Tạo Việt 2013 do Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức đã bắt đầu tạo nên phong trào khởi nghiệp trong sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với sự bảo trợ của VCCI, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp năm 2014 cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.  Được tổ chức hàng năm, đến năm 2018, Chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp đã thu hút 38 trường đại học, cao đẳng và 7 tỉnh, thành phố tham gia với 217 dự án khởi nghiệp và gần 1000 thanh niên, sinh viên tham gia.

Trải qua 5 năm tham gia Khởi nghiệp quốc gia, Phong trào Khởi nghiệp  tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ mình một cách xứng đáng với 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích ở các cuộc thi Chung kết Khởi nghiệp Quốc gia do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với 6 Bộ ban ngành tổ chức.

Không chỉ dừng lại ở việc tham gia cuộc thi và đạt giải, những dự án khởi nghiệp tại Học viện còn được ươm tạo, thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp, doanh nhân để thành lập những doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tổ chức hoạt động, sản xuất, kinh doanh bước đầu có hiệu quả như: Công ty Cổ phần D-Green Việt Nam, Công ty Đào tạo và phát triển giáo dục Quốc tế Hoàng Gia, Công ty cổ phần công nghệ cao Rau Việt, Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh công nghệ xanh 99 BIOTECH, Trang trại Sản xuất và tiêu thụ gà Mông Yên Bái, Hợp tác xã Chè Shan Tuyết bó đướt, Giải pháp nông nghiệp thông minh HACHI... Hầu hết các dự án đều có giải pháp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiến tiến trong từng khâu hoặc trong cả quy trình sản xuất với mong muốn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một số dự án khởi nghiệp đã được hiện thực hoá trong tổng số 795 dự án/ý tưởng khởi nghiệp trong vòng 5 năm qua.

Vì vậy, sự ra đời Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025" và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên trong cả nước.


Cơ hội và thách thức của Khởi nghiệp Nông nghiệp

 Cơ hội

- Việt Nam từ trước đến nay vẫn là nước nông nghiệp, vì thế, cơ hội cho khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất rõ ràng.

- Nền nông nghiệp cơ bản còn nhiều vấn đề cần được giải quyết như: Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, Dịch vụ phụ trợ còn chưa phát triển, cơ giới hóa, hiện đại hóa Nông nghiệp chưa có nhiều đột phá, các ứng dụng Công nghệ thông tin trong nông nghiệp còn hạn chế về cả lượng và chất,…

- Nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo đang trở thành nhu cầu bức thiết, nhu cầu đang ngày càng gia tăng.

- Cơ hội xuất khẩu nông sản sạch, an toàn, nông sản hữu cơ ra thị trường thế giới còn nhiều tiềm năng. Nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ trên thị trường thế giới đang tăng lên, mở ra cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước.

- Trong 5 năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp cũng nhận được nhiều hơn những hỗ trợ từ Chính phủ, góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư  vào nông nghiệp công nghệ cao.

- Nguồn vốn ngoại, nhất là từ Nhật Bản tìm đến lĩnh vực nông nghiệp nước ta có xu hướng gia tăng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, mang đến cơ hội cho nhiều startup và doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này.

- Nhiều kết quả nghiên cứu và nguồn nhân lực được đào tạo tại các trường đại học, các trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành và phát triển.

Thách thức

- Những rào cản đang ngăn bước khởi nghiệp phát triển như: thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp, chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho khởi nghiệp phát triển…

- Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua còn nhiều khó khăn.

- Đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp còn hạn chế.

- Công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ; thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn.

- Các đầu tư cho chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ sinh viên và thanh niên tri thức ở nông thôn khởi nghiệp còn hạn chế.

6. Định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0

- Phát triển các chương trình đào tạo tại các trường đại học nông nghiệp trọng điểm nhằm đạo tạo, tăng cường nhận thức, xây dựng các mô hình thành công cho các đối tượng tiềm năng là sinh viên, thanh niên nông thôn tri thức phục vụ phát triển khởi nghiệp ngành nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0.

- Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy định về thành lập và vận hành hệ thống trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các cơ chế chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi về tài chính, tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

- Dành các khoản vay ưu đãi, xây dựng các quỹ đầu tư cho dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp có tính khả thi cao.

- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động của các dự án khởi nghiệp nông nghiệp.

  - Xây dựng quy định, bài giảng, giáo trình để tập huấn, đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng; xây dựng văn hoá và kỹ năng khởi nghiệp.

  - Đào tạo nhân lực kỹ sư lĩnh vực nông nghiệp kết hợp yếu tố công nghệ ngay từ thời sinh viên để có tinh thần khởi nghiệp thực tế trong lĩnh vực 4.0.

- Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công để nhân rộng ở các địa phương, các nhà trường nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhóm thanh niên, sinh viên, chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

- Gắn kết nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp để đảm bảo tính khả thi, tính thương mại hoá trong nghiên cứu. Những nghiên cứu có tính thực tiễn có thể được đấu giá để chuyển giao quyền sở hữu hoặc hỗ trợ, kêu gọi đầu tư để tiếp tục phát triển kết quả nghiên cứu thành dự án kinh doanh, thương mại hoá sản phẩm.

- Gắn kết khởi nghiệp nông nghiệp với các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới; mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Tổ chức đưa sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng và sinh viên các trường đại học, cao đẳng đi làm việc, thực hành, thực tập ở các nước phát triển; đưa cán bộ HTX và thành viên HTX đi tập huấn, đào tạo, lao động, làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút những người kết thúc thực hành, thực tập, lao động ở nước ngoài, với những kinh nghiệm và kiến thức mới, về để công tác, khởi nghiệp tại các HTX, các trang trại, doanh nghiệp.

-  Đầu tư, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp, nơi cung cấp không gian làm việc, sáng tạo ý tưởng, kết nối mạng lưới cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời là mô hình hoạt động, đào tạo, tập huấn, sàn giao dịch ý tưởng cho cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp.

- Xây dựng mô hình siêu chợ tập trung trực tuyến để các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp gặp nhau và gặp bên mua sản phẩm để trao đổi hàng hoá, đấu giá hoặc đặt hàng. Kết nối giao thương với các chợ trực tuyến hiện có của thế giới để tăng cường giao dịch quốc tế cho các thị trường nước ngoài.

- Tích hợp công nghệ vận chuyển, phân phối điểm đầu điểm cuối, giám sát theo thời gian thực để đảm bảo tiến độ vận chuyển của hàng hoá, thông báo tình trạng vận chuyển, tối ưu việc lưu kho, giảm thiểu chi phí cho các sản phẩm nông nghiệp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp.

- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dựa vào công nghệ block chain để đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm, tạo thương hiệu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

(Theo Danviet.vn)