Trong chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie, đã đến thăm hai hợp tác xã và các hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò tại tỉnh Điện Biên, nơi thực hiện Dự án chăn nuôi thâm canh bò thịt (Dự án ACIAR, LPS/2015/037 - Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam). Bộ môn Phân tích định lượng (thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường) là một trong hai đối tác chính thực hiện Dự án.

leftcenterrightdel
 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie (thứ 7 từ bên trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng với Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên (thứ 6 từ bên trái sang), các cán bộ lãnh đạo Sở, cán bộ Đại sứ quán và văn phòng ACIAR tại Việt Nam, và các đối tác tham gia thực hiện Dự án chăn nuôi thâm canh bò thịt của ACIAR tại Điện Biên. PGS. TS. Phạm Văn Hùng, trưởng nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ 2 từ bên phải sang). Ảnh: Trọng Chính (TTXVN).

 

Chuyển đổi thành công mô hình HTX nông nghiệp

Ngày 14 và 15/4/2022, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie, đã đến thăm 2 hợp tác xã chăn nuôi thâm canh bò thịt và nhóm nông dân nữ tiêu biểu trong các nhóm chăn nuôi trâu, bò tại tỉnh Điện Biên. Huyện Tuần Giáo và Điện Biên là hai địa điểm thực hiện của Dự án chăn nuôi bò thịt (LPS/2015/037) do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ. Dự án do Đại học Tasmania (Úc) chủ trì nhằm cải thiện thu nhập của các hộ chăn nuôi trâu bò quy mô nhỏ thông qua biện pháp thâm canh chăn nuôi và tăng cường liên kết thị trường trong hệ thống cây trồng - vật nuôi miền núi ở Tây Bắc Việt Nam. Nhiều đối tác trong nước tham gia bao gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Viện Chăn nuôi (NIAS), và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các thành viên tham gia Dự án thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn) do PGS. TS. Phạm Văn Hùng là trưởng nhóm nghiên cứu.

 

leftcenterrightdel
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie, trò chuyện với các nữ nông dân tiêu biểu tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trọng Chính (TTXVN). 

 

Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Kinh doanh gia súc Tuần Giáo được tổ chức lại từ Hợp tác xã Cà phê Tuần Giáo. Mô hình trước đây hoạt động không tốt và các thành viên không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ việc sản xuất cà phê. Ở pha trước của Dự án đã đưa ra nhận định cơ hội chăn nuôi bò thịt ở tỉnh Điện Biên chủ yếu nhờ vào điều kiện tự nhiên và truyền thống canh tác của nông hộ tại địa phương. Tuy nhiên, nhóm nông dân địa phương gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và tiếp cận thị trường. Dự án đã giúp HTX kết nối, thu mua trâu bò của nông dân địa phương và đã cung cấp cho nông dân địa phương giống bò thông qua các nguồn hỗ trợ của Tỉnh và Chính phủ.

Ngoài ra, để đảm bảo tính bền vững của hệ thống sản xuất tại địa phương, Dự án đã tổ chức và hỗ trợ người chăn nuôi bò địa phương thành lập 10 nhóm sở thích chăn nuôi (04 nhóm ở huyện Điện Biên và 06 nhóm ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) với khoảng 300 thành viên bao gồm các hộ chăn nuôi thuộc các dân tộc Thái, Kinh, Lào, H’Mông. Họ là những đối tác (stakeholders) quan trọng để làm việc với các hợp tác xã và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị bò thịt. Đại diện các nhóm sở thích này đã được tập huấn về kỹ thuật chế biến thức ăn thô xanh, vỗ béo và chăn nuôi bò thịt, kiến thức về hạch toán trong nông hộ/trang trại và chuỗi giá trị bò thịt. Để nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tế của họ, những nông dân này đã được Dự án tổ chức đi tham quan một số trang trại và hộ chăn nuôi trâu bò thành công ở tỉnh Sơn La. Dự án cũng đã cung cấp thông tin và tư vấn để hỗ trợ các nhóm nông dân chăn nuôi trâu bò trong các hoạt động thường xuyên của họ. Do đó, những thay đổi trong tập quán chăn nuôi trâu bò, nhất là bò thịt của nông dân thiểu số đã gây ấn tượng mạnh với Bà Đại sứ Úc.

Từ nông trại đến siêu thị: thành quả của một giám đốc hợp tác xã trẻ

Ngày 15/4/2022, Bà Đại sứ Robyn Mudie cũng đã đến thăm Hợp tác xã chăn nuôi Điện Biên, tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Đây là HTX chuyên chăn nuôi trâu, bò đầu tiên của tỉnh Điện Biên và được Dự án hỗ trợ thành lập. Thành viên của HTX bao gồm các nông dân tiêu biểu ở xã Thanh Yên và 04 nhóm sở thích được hỗ trợ từ dự án LPS/2015/037 tại huyện Điện Biên. Giám đốc HTX là anh Đỗ Đức Thắng, một thanh niên có hoài bão đưa thịt bò địa phương ra thị trường lớn hơn.

Các hoạt động chính của HTX bao gồm: Cung cấp trâu, bò vỗ béo; Cung cấp trâu, bò giết mổ; Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, gà đẻ trứng; Kinh doanh, phân phối trâu, bò giống; Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên; bảo lãnh phát hành sản phẩm chăn nuôi. Hợp tác xã là cầu nối trong việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ nông dân trong nhóm chăn nuôi gia súc hiện có, cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi trâu bò cho xã viên.

leftcenterrightdel
 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Úc tại Việt Nam, Bà Robyn Mudie, chụp ảnh cùng với anh Đỗ Đức Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Điện Biên. Ảnh: Phạm Văn Hùng.

 

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án LPS/2015/037, anh Thắng đã phát triển kinh nghiệm chăn nuôi gia súc cùng với kỹ năng lãnh đạo và quản lý của mình. Dự án đã hướng dẫn anh xây dựng và thử nghiệm kênh bán lẻ hiện đại tại Siêu thị Hoa Ba (thành phố Điện Biên Phủ), trong đó HTX chăn nuôi Điện Biên cung cấp thịt bò tươi, thông qua sử dụng dịch vụ giết mổ của một cơ sở giết mổ có chứng nhận của địa phương. Đây là hoạt động có nhiều triển vọng phát triển và đầy thử thách đối với HTX và cá nhân anh Thắng bởi đây cũng là lần đầu tiên thịt bò tươi của địa phương có mặt tại một siêu thị lớn. Buổi thử nghiệm đã thành công tốt đẹp và siêu thị bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với HTX để bán hàng trong tương lai. Đây cũng là cơ hội phát triển thị trường, là bằng chứng về sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với thịt bò địa phương ở phân khúc thị trường cao cấp hơn trong kênh tiếp thị hiện đại.

Nguyễn Anh Đức, Phạm Văn Hùng, Dương Nam Hà

Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường