Khung trình độ là hệ thống phân loại trình độ đào tạo hay bằng cấp tương ứng. Điển hình, khung trình độ phân loại trình độ theo một hệ thống phân cấp các cấp và được chỉ định cho một mức độ cụ thể tùy thuộc vào độ phức tạp của nó. Hầu hết các khung trình độ quốc gia hiện đại đều được thể hiện qua kết quả học tập (Learning outcomes), là những tuyên bố kiến thức, kỹ năng và năng lực mà người học được mong đợi đạt được để có được trình độ tương ứng.

Sau khi Khung trình độ quốc gia Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai rà soát và cải tiến một số chương trình đào tạo và so sánh mức độ đáp ứng các yêu cầu về chuẩn năng lực tương ứng nêu tại Khung trình độ quốc gia trước và sau khi thực hiện cải tiến.

Thực trạng chương trình đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trước khi rà soát và cải tiến để đáp ứng các yêu cầu về chuẩn năng lực trong khung trình độ quốc gia

Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện có 49 ngành đào tạo bậc đại học. Năm 2019, Học viện đã thực hiện rà soát lại toàn bộ Chuẩn đầu ra (CĐR) của các ngành đào tạo bậc đại học trên cơ sở yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, Học viện đã xây dựng những yêu cầu và quy định rõ ràng, cụ thể về cấu trúc, nội dung và mức độ chất lượng tối thiểu mà chuẩn đầu ra được tuyên bố theo thang Bloom với các mức từ “Áp dụng” đến mức cao “Phân tích, sáng tạo”. Theo đó, CĐR của 01 chương trình có từ 10-15 CĐR, bao gồm chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Cho đến nay, các chương trình đào tạo của Học viện đã có bộ CĐR ra tương đối cụ thể và tương thích với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam:

-   Chuẩn Kiến thức: Học viện có 4/5 chuẩn đầu ra có 100% số CTĐT bậc đại học đáp ứng

-   Chuẩn Kỹ năng: Học viện có 6/6 chuẩn đầu ra có 100% số CTĐT bậc đại học đáp ứng

-   Chuẩn Năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm: Học viện có 3/4 chuẩn đầu ra có 100% số CTĐT bậc đại học đáp ứng

Kinh nghiệm triển khai rà soát và cải tiến một số chương trình đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu về chuẩn năng lực trong khung trình độ quốc gia

Trong quá trình triển khai rà soát và cải tiến chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo (CTĐT), Học viện đã tiếp cận và sử dụng phương pháp DACUM (Developing a Curriculum) để không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuẩn năng lực trong khung trình độ quốc gia mà đáp ứng yêu cầu về năng lực nghề nghiệp của thị trường lao động.

Bảng phân tích DACUM bao gồm 04 hợp phần khác nhau:

(1) Năng lực nghề chính (General Areas of Competence, viết tắt là GAC)

(2) Công việc hay Kỹ năng của năng lực nghề chính (Task)

(3) Thang đánh giá mức độ thành thạo

(4) Hồ sơ nghề hẹp

Trước khi tiến hành phân tích nghề DACUM, các CTĐT phải xác định phạm vi phân tích nghề, muốn vậy các CTĐT cần trả lời các câu hỏi:

- Ngành nghề chính là gì?

- Ngành nghề chính có những nghề hẹp nào?

- Loại hình và qui mô công ty tuyển dụng những ngành nghề đó?

- Mục đích của phân tích nghề là gì?

Chọn người phân tích nghề DACUM phải bao gồm cả người quản lý và người giỏi nghề, số lượng thường nên vào khoảng từ 10 đến 12 người, có thể tối thiểu là 08 và tối đa là 14 người. Những người thông thạo trong ngành nghề nên có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm, hiện đang làm việc toàn thời gian ít nhất là 03 năm gần đây và phải được sự tín nhiệm của đồng nghiệp về năng lực nghề. CTĐT nên ưu tiên mời những người kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Họ phải được đồng nghiệp công nhận là người thức thời và có thể dự đoán được yêu cầu nghề trong tương lai.

leftcenterrightdel
Tổ chức Hội thảo DACUM với sự tham dự của các nhà quản lý và người giỏi nghề tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam 

Trong triển khai thực tế tại Học viện, ngay sau phiên phân tích DACUM, các CTĐT thực hiện khảo sát ý kiến về yêu cầu về năng lực đối với sinh viên tốt nghiệp và cựu sinh viên sau thời gian tập sự 3 năm. Phiếu khảo sát ý kiến thị trường lao động về yêu cầu về năng lực đối với sinh viên tốt nghiệp và cựu sinh viên sau khi hoàn thành thời gian tập sự được thiết kế dựa trên kết quả phân tích DACUM và triển khai khảo sát tại chỗ trong Hội thảo DACUM cũng như sau đó, khảo sát trên diện rộng gồm ít nhất 10 nhà quản lý và 50 người giỏi nghề khác.

Kết quả khảo sát sẽ giúp CTĐT xác định rõ ràng các năng lực nghề nghiệp và mức độ thành thạo mà một sinh viên mới ra trường và sau khi hoàn tất tập sự cần đạt được để từ đó chuyển tải vào mục tiêu và CĐR của CTĐT. Mục tiêu đào tạo là những kỳ vọng của chương trình đào tạo đối với người tốt nghiệp sau 3-5 năm làm việc. Thêm vào đó, CĐR của CTĐT sau khi được dự thảo sẽ được kiểm tra, đối sánh lại với các yêu cầu của Luật Giáo dục đại học; Khung trình độ quốc gia; Đối sánh với các CTĐT uy tín trong nước và quốc tế.

Căn cứ từ mục tiêu và CĐR, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành rà soát lại cấu trúc và nội dung các CTĐT.

leftcenterrightdel
 Quy trình rà soát cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Qua quá trình rà soát, nhận thấy các CTĐT đại học của Học viện đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu trong khung trình độ quốc gia. Tuy nhiên, còn một số yêu cầu trong khung trình độ quốc gia Việt Nam đề ra chưa được thể hiện rõ nét như yêu cầu về kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể; Mức tự chủ và trách nhiệm trong tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân. Thêm vào đó, kỹ năng về dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác theo yêu cầu trong Khung trình độ quốc gia cũng là một yêu cầu mà Học viện nói chung và các CTĐT nói riêng cần xem xét và có giải pháp triển khai phù hợp.

Tài liệu tham khảo

Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh (2020). Công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới. Xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng Khung trình độ quốc gia tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

TT Đảm bảo chất lượng