HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

BAN HỢP TÁC QUỐC TẾ

_________________________

Số: 05/TB-HTQT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

______________________________________

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2020

 

THÔNG BÁO

V/v Dự tuyển Chương trình hợp tác đào tạo và thực hành

nông nghiệp tại Israel năm 2020

 

Trong khuôn khổ phối hợp thực hiện cùng Công ty OLECO – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo dự tuyển Chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel năm 2020.

1.  Số lượng:

-     400 học viên cho các trường đại học Việt Nam, chỉ tiêu cho Học viện là 100 học viên (tổng số học viên nữ không quá 25%);

-     06 phiên dịch.

2.  Thời gian đào tạo và thực hành: 10 đến 12 tháng tùy thuộc nơi tiếp nhận.

3.  Nội dung đào tạo và thực hành:

-     Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại hiện đại của Israel;

-     Học thông qua làm việc:

+ Học viên: 01 ngày/tuần học lý thuyết, các ngày còn lại được bố trí làm việc tại các trang trại và được trả lương theo quy định của Israel. Các ngày học lý thuyết có xe của Trung tâm đưa đón;

+ Phiên dịch:  2-3 ngày/tuần thực hiện công việc phiên dịch trên lớp học, quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh của học viên, thực hiện các công việc do Trung tâm phân công,...

-     Tham quan các mô hinh nông nghiệp tiên tiến của Israel;

4.  Điều kiện tham gia chương trình

-     Nam, nữ độ tuổi từ 20 đến 25 (phiên dịch có độ tuổi từ 25 đến 35, thông thạo tiếng Anh, có kinh nghiệm trong quản lý nhân sự, phụ trách nhóm và tổ chức sự kiện, ưu tiên sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp);

-     Có sức khoẻ tốt (không mắc viêm gan B, C và các bệnh về tìm, phổi, dạ dày, xương khớp, trĩ, huyết áp);

-     Có nguyện vọng và khả năng tài chính tham gia Chương trình;

-     Sinh viên cao đẳng, đại học (năm thứ 3 trở đi hoặc đã tốt nghiệp chưa quá 02 năm)  thuộc ngành nông nghiệp/liên quan đến nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thủy sản, kinh tế nông nghiệp, thực phẩm, sinh học, tài nguyên môi trường…).

5.  Quyền lợi và trách nhiệm

a.  Quyền lợi:

-     Chỗ ở:

+ Học viên: Được phía Israel bố trí chỗ ở tại các trang trại nông nghiệp trong suốt thời gian học tập;

+ Phiên dịch: Được phía Israel bố trí chỗ ở miễn phí;

-     Thu nhập:

+ Phiên dịch: 800-1100USD/tháng tùy theo từng Trung tâm tiếp nhận;

+ Học viên: Mức thu nhập trung bình sau khi trừ các chi phí trong khoảng 600-1000USD/tháng. Khoản thu nhập có thể thay đổi tùy thuộc thời gian làm việc và nơi làm việc.

-     Được cấp chứng chỉ khi kết thúc chương trình.

b.  Trách nhiệm:

-     Tự túc chi phí chuẩn bị cho tham gia Chương trình gồm khám sức khỏe, hộ chiếu, visa, bảo hiểm, bồi dưỡng tiếng Anh, bồi dưỡng kỹ năng bổ trợ kiến thức (văn hóa Israel, sống và làm việc ở Israel), giáo dục định hướng, quản lý (tổng kinh phí dự kiến khoảng 30 triệu đồng trở lại);

-     Tự túc tiền vé máy bay (vé lượt về > 800USD, giá vé thay đổi theo thời điểm xuất vé, được khấu trừ từ lương tháng);

-     Tự túc phí đào tạo và quản lý đào tạo là 200USD/tháng (khấu trừ theo lương tháng);

-     Tự túc chi phí sinh hoạt (khoảng 100 – 130USD/tháng);

-     Tự túc máy tính cá nhân phục vụ các buổi học lý thuyết ở Israel;

-     Tuân thủ các quy định của Chương trình và nước bạn.

6.   Hồ sơ dự tuyển : Ứng viên trúng tuyển chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gốc và 01 file scan màu hồ sơ gốc (xếp theo thứ tự), định dạng pdf gồm các giấy tờ sau đây:

6.1 Đơn đề nghị đi học tập tại nước ngoài (theo mẫu);

6.2 Đơn tình nguyện tham gia chương trình có đầy đủ xác nhận (theo mẫu);

6.3 Sơ yếu lý lịch có đầy đủ xác nhận (theo mẫu);

6.4 Cam kết của gia đình có đầy đủ xác nhận (theo mẫu);

6.5 Cam kết của cá nhân (theo mẫu).

7.        Quy trình thực hiện:

7.1        Sinh viên có nguyện vọng dự tuyển đăng ký (theo mẫu) trong thời gian từ tháng 12/2018 – 01/2019 và tham gia buổi giới thiệu về Chương trình theo thông báo, kế hoạch phối hợp thực hiện của Học viện và Công ty OLECO;

7.2        Sinh viên chủ động khám sức khỏe tổng thể tại một cơ sở y tế có uy tín trước khi quyết định đăng ký dự tuyển;

7.3        Sinh viên đăng ký dự tuyển (gửi file điện tử đăng ký theo mẫu qua email hoặc đăng ký thông tin trực tiếp theo mẫu đến Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực  theo địa chỉ tại mục 9 dưới đây);

7.4        Sinh viên tham gia vòng phỏng vấn 1 do Học viện và Công ty OLECO phối hợp thực hiện. Vòng phỏng vấn này sơ bộ lựa chọn được số sinh viên (còn gọi là học viên) đi học tập, đào tạo tại Israel (80 – 90% cơ hội cho vị trí học viên chính thức, 50% cơ hội cho vị trí học viên dự bị);

7.5        Học viên chủ động liên hệ cơ quan công an địa phương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông;

7.6        Học viên nộp hồ sơ dự tuyển bản gốc (theo mẫu quy định tại mục 6 nêu trên) ngay sau khi có kết quả trúng tuyển tại vòng phỏng vấn 1 (khuyến nghị nộp hồ sơ trước khi phía Israel phỏng vấn vòng 2);

7.7        Học viên đăng ký và tham gia lớp học bồi dưỡng tiếng Anh và giáo dục định hướng (sau khi có kết quả phỏng vấn của phía Việt Nam). Học viên có chứng chỉ tiếng Anh trình độ B trở lên xuất trình chứng chỉ tại buổi kiểm tra xếp lớp để được xem xét miễn học tiếng Anh;

7.8        Phía Israel phỏng vấn vòng 2 để tiếp nhận và tổ chức kế hoạch phân bổ học viên (địa điểm phỏng vấn tại Học viện hoặc Công ty OLECO):

+ Tháng 5/2019: Trung tâm RAMAT NEGEV;

+ Tháng 6/2019: Trung tâm AICAT ARAVA;

+ Tháng 7/2019: Trung tâm SEDOT NEGEV.

Lịch phỏng vấn có thể thay đổi và được thông báo đến các học viên.

7.9    Khám sức khỏe VISA tại Phòng khám do Đại sứ quán Israel chỉ định (lệ phí dự kiến 3,5 triệu đồng/người);

Lưu ý:

+ Học viên cần tẩy ký sinh trùng (giun sán) theo hướng dẫn y tế trước khi khám sức khỏe visa (thực hiện khuyến nghị này ngay sau khi có kết quả trúng tuyển vòng phỏng vấn của phía Việt Nam) để đảm bảo các chỉ số xét nghiệm máu được chính xác;

+ Học viên tự kiểm tra tình trạng mù màu (nếu có) thông qua tra cứu website các biện pháp tự kiểm tra mù màu và thông báo cho Ban Tổ chức (nếu có).

+ Sinh viên nộp tiền trực tiếp tại Phòng khám.

7.10  Xin thị thực (visa): Học viên được các trung tâm đào tạo, thực hành nông nghiệp Israel lựa chọn chuẩn bị các giấy tờ sau:

+ Tiền đặt cọc làm visa: 10 triệu đồng (số tiền này cũng nhằm đảm bảo bồi hoàn các chi phí triển khai Chương trình cho học viên trong trường hợp học viên tự ý bỏ Chương trình vì bất kỳ lý do nào hoặc được khấu trừ vào tổng chi phí thực hiện Chương trình trước khi xuất cảnh);

+ Hộ chiếu phổ thông gốc và 05 ảnh cỡ 4 x 6 cm (loại ảnh làm hộ chiếu);

+ Giấy tờ/ tiền bảo lãnh chống trốn khỏi Chương trình (được áp dụng cho tất cả các học viên).

7.11 Nộp tiền tham gia Chương trình đợt 2: Học viện và Công ty OLECO sẽ thông báo số tiền cụ thể học viên cần chuẩn bị sau khi dự kiến được lịch bay. Học viên hoàn thành việc nộp số tiền này cho Công ty OLECO trong thời gian 15-20 ngày trước ngày xuất cảnh.

7.12 Xuất cảnh Israel:

+ Dự kiến xuất cảnh trong tháng 7 – 10/2019 tùy thuộc các đối tác Israel (đối tác nào xét tuyển trước thường tiếp nhận học viên trước). Học viên sẽ được thông báo cụ thể về kế hoạch xuất cảnh;

+ Học viên triển khai thủ tục bảo lưu kết quả học tập trước khi xuất cảnh (đối với trường hợp chưa tốt nghiệp).

8.  Liên hệ giải đáp thông tin: Ban Hợp tác quốc tế - Học viện Nông nghiệp Việt Nam (P. 228 Nhà Hành chính, cán bộ phụ trách: Trần Thị Thanh Phương, tel: 024 62617692, email: tttphuong@vnua.edu.vn).

9. Địa chỉ đăng ký dự tuyển và nộp hồ sơ:  Ứng viên đăng ký dự tuyển (theo mẫu). Ứng viên trúng tuyển nộp 01 bản hồ sơ gốc và 01 bản hồ sơ scan màu. Danh sách đăng ký dự tuyển/hồ sơ gửi trực tiếp và qua email đến đơn vị phối hợp: Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực (cán bộ phụ trách: Hoàng Văn Thao, ĐT: 0981686486, email: vanthao3009@gmail.com hoặc ĐT: 039.834.1997 hoặc (024).6688.0862 - email: ngoc.nth.vcms@gmail.com).                                   

Nơi nhận:

- Các khoa trong Học viện;

- Lưu HTQT.

TRƯỞNG BAN

(Đã ký)

Nguyễn Thị Bích Thủy