Ngày 30/07/2018, Rikolto Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) đồng tổ chức Hội thảo “10 năm triển khai Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và giới thiệu bộ công cụ mới”.

Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng (PGS) là một cơ chế đảm bảo chất lượng nông sản có chi phí thấp và hứa hẹn giành lại niềm tin từ phía người tiêu dùng. PGS khởi nguồn từ Liên đoàn Phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) được đưa vào Việt Nam từ 2008 áp dụng chủ yếu cho trồng rau hữu cơ và gần đây mở rộng cho cả rau an toàn. PGS rất phù hợp cho các nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ do chi phí chứng nhận thấp, thủ tục hành chính đơn giản, đáng tin cậy với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tới tham dự hội thảo có đại diện của tổ chức tài trợ kinh phí AliSEA/GRET, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chính quyền địa phương các tỉnh có thực hiện PGS, các tổ chức nông dân, các công ty tư nhân, các đơn vị liên quan đến PGS, các tổ chức chính trị - xã hội ở Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế, cán bộ của Rikolto Việt Nam và thành viên nhóm nghiên cứu mạnh về “Bảo quản và chế biến các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật”, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Hoàng Thanh Hải giới thiệu về dự án Đúc kết kinh nghiệm và lợi ích PGS ở Việt Nam để nhân rộng và thể chế hóa” đồng thực hiện bởi Rikolto Việt Nam và VNUA, được tài trợ kinh phí bởi ALiSEA và National Lottery, Bỉ. Tiếp theo là bài trình bày của bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam về 10 năm triển khai Hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng ở Việt Nam. Sau đó, PGS. TS. Trần Thị Định, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, VNUA đã có báo cáo chia sẻ về những kết quả thu được trong nghiên cứu đánh giá về hệ thống PGS ở Việt Nam và những khuyến nghị để cải thiện hệ thống PGS cho việc nhân rộng và thể chế hóa.

Sau cùng là phần tọa đàm về vai trò của PGS đối với hệ thống thực phẩm bền vững ở Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức nông dân trực tiếp sản xuất PGS, nhà khoa học, và nhà tài trợ. Nhóm chuyên gia cũng giải đáp các câu hỏi của người tham dự liên quan đến việc phát triển bền vững, mở rộng và thể chế hóa hệ thống PGS ở Việt Nam. 

Hình ảnh tọa đàm về vai trò của PGS đối với hệ thống thực phẩm bền vững ở Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Pierre Ferrand – đại diện tổ chức ALiSEA nhấn mạnh nông nghiệp hữu cơ là bước đi tất yếu cho nền nông nghiệp bền vững và tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam chưa được Chính phủ quan tâm thích đáng và sản xuất còn khá manh mún. Tuy nhiên, ông Pierre Ferrand hy vọng rằng trong thời gian tới, hệ thống PGS trong sản xuất nông nghiệp sạch sẽ tiếp tục được phát triển và nhân rộng ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời PGS sẽ sớm được chính quyền cấp tỉnh/cấp trung ương chính thức công nhận là một hệ thống đảm bảo chất lượng khi sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị.

Bài phát biểu của ông Pierre Ferrand, AliSEA/GRET về tiềm năng phát triển của PGS tại Việt Nam

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, mang lại cơ hội trao đổi quý báu giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, khách hàng, nhà khoa học và các bên liên quan khác về việc phát triển và nhân rộng hệ thống PGS cho một nền nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Những người tâm huyết và đồng hành cùng PGS hy vọng chính phủ sớm công nhận PGS là một hệ thống đảm bảo chất lượng chính thống cho nông sản thực phẩm và có những chính sách phù hợp để quảng bá, phát triển và nhân rộng mô hình PGS tại nhiều địa phương. Hội thảo cũng đánh dấu mối quan hệ hợp tác lâu dài về đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tế giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tổ chức Rikolto Việt Nam.

Thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Khoa Công nghệ thực phẩm, VNUA


Trần Thị Định, Đinh Thị Hiền – 

Nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật”